Sự kiện bình luận

Phát triển ngành Halal thành ngành thế mạnh của Việt Nam

Đông Nghi 28/10/2024 19:54

Thông điệp quan trọng này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trước 600 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trực tuyến và trực tiếp hội nghị Halal toàn quốc, chiều ngày 22/10 tại Hà Nội.

Thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam

Với chủ đề "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam", hội nghị Halal toàn quốc là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển bền vững cho ngành Halal.

ttg-1-in-halal.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị Halal toàn quốc. Ảnh: VGP

Thủ tướng nêu bật những ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc phát triển ngành Halal. Ngành này không chỉ giúp kết nối người Việt Nam với cộng đồng Hồi giáo toàn cầu mà còn tạo ra cầu nối văn hóa, kinh tế với các quốc gia khác.

Đồng thời, thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn cho tất cả chúng ta với những tiềm năng to lớn. Khi thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trước năm 2030, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.

Chỉ ra 3 lợi thế quan trọng giúp Việt Nam có thể vươn lên trong ngành Halal, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có môi trường chính trị ổn định và kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, với quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người ở mức 4.300 USD.

Thứ hai, Việt Nam kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, đa dạng hóa và hợp tác quốc tế. Chính sách này không chỉ giúp Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập mối quan hệ với các quốc gia Hồi giáo.

Thứ ba, Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn Halal, như thủy sản, hạt tiêu và gạo, cùng với một tiềm năng du lịch phong phú, đặc biệt là du lịch Halal. Những yếu tố này tạo ra cơ hội lớn để phát triển ngành Halal và thu hút đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng khẳng định, mục tiêu phát triển ngành Halal thành một trong những ngành thế mạnh của Việt Nam. Để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần triển khai các chiến lược cụ thể nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn Halal quốc gia. Đồng thời, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm Halal Việt Nam ra thị trường toàn cầu.

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên tinh thần "3 cùng": "Cùng lắng nghe và thấu hiểu", "cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào".

Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của thị trường Hồi giáo

img1456-17295871766321730826599.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định, các sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển.

Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, khi chúng ta có lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam còn là quốc gia có nền tảng vững chắc về khoa học công nghệ để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Halal chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái Halal bền vững, từ việc tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đến việc nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam, nhằm bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ của chúng ta đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.

Từ góc nhìn của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), ông Moteb Al-Mezani - Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Halal GCC nhận xét: Việt Nam đã và đang quan tâm mạnh mẽ đến thị trường Halal, với nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm. Theo ông, chứng nhận Halal không chỉ là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường Hồi giáo, mà còn giúp sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào tất cả các thị trường Halal trên thế giới.

Theo đánh giá của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường, lượng lớn nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với chứng nhận Halal (chứng nhận VietGAP, GobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, ISO...) và được người Hồi giáo ưa chuộng.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal với các doanh nghiệp dẫn dắt như TH True Milk, Trung Nguyên café... là tiền đề dẫn dắt, ra tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm halal thời gian tới.

Tuy nhiên, trên thế giới chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng đối với tất cả các nước. Quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức, quốc gia khác nhau. Chưa kể, chi phí để đạt chứng nhận Halal (gồm chi phí đầu tư chuyển đổi trong sản xuất, nguyên liệu đạt chuẩn, chuyên gia kiểm tra chất lượng, đánh giá sự phù hợp...) còn quá cao, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường này.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng sự thành công của việc mở rộng thị trường Halal tại Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào những nỗ lực của các cơ quan chính phủ, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp. Bằng cách đầu tư vào việc nâng cao nhận thức về Halal, đơn giản hóa quy trình chứng nhận và tích cực quảng bá sản phẩm Halal của Việt Nam trên thị trường quốc tế, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức và khai thác tiềm năng lớn của nền kinh tế Halal toàn cầu.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, theo tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "được phép" và "Haram" là những điều cấm kỵ. Người Hồi giáo chỉ sử dụng những sản phẩm được Thượng đế (Allah)
cho phép và thể hiện sự cho phép là sản phẩm đó được chứng thực Halal theo Kinh Qur'an và Luật Shari'ah của Hồi giáo.
Các sản phẩm Halal bao gồm hầu như tất cả sản phẩm thiết yếu
của cuộc sống như thực phẩm, đồ uống, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến lĩnh vực dịch vụ như: ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn, logistics.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành Halal thành ngành thế mạnh của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO