Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh yêu cầu trên tại buổi làm việc quan trọng với Thường trực Tỉnh ủy 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chiều ngày 19/4.
Cuộc làm việc này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác sắp xếp các đơn vị hành chính, một bước đi mang tính lịch sử trong việc tái cơ cấu hệ thống hành chính của Việt Nam.
Thống nhất sáp nhập và thành lập tỉnh Lâm Đồng mới
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Nội vụ tại buổi làm việc, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua phương án sáp nhập 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Tỉnh mới này sẽ mang tên tỉnh Lâm Đồng, với trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Cùng với việc sáp nhập cấp tỉnh, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại 3 địa phương cũng được triển khai mạnh mẽ.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng dự kiến từ 135 đơn vị hành chính cấp xã hiện tại sẽ sắp xếp thành 51 đơn vị hành chính cấp xã mới (gồm 9 phường, 42 xã), giảm tới 62,77%. Hai xã sẽ được giữ nguyên trạng.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, dự kiến sắp xếp 71 đơn vị hành chính cấp xã thành 28 đơn vị hành chính cấp xã, (giảm 60,57% số đơn vị hành chính cấp xã). Hai xã cũng thuộc diện giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp.
Tỉnh Bình Thuận: Từ 121 đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến hình thành 43 đơn vị hành chính cấp xã mới (34 xã, 8 phường và 1 đặc khu Phú Quý được thành lập từ huyện đảo Phú Quý), giảm 64,5%.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy các tỉnh đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính. UBND các tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai, bao gồm việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn các đơn vị hành chính chịu tác động. Các địa phương đang khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tổ chức lấy ý kiến cử tri và hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) trước ngày 01/5/2025.
Sắp xếp cán bộ, công chức bảo đảm công tâm, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, theo Bộ Nội vụ, là cuộc cải cách hành chính có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Quá trình này sẽ tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành và trực tiếp đến người dân.
Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý các địa phương phải đảm bảo hoạt động thường xuyên của bộ máy nhà nước không bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, giữ vững an ninh trật tự và an sinh xã hội.
Mục tiêu chính của việc sắp xếp này không chỉ là giảm số lượng đơn vị hành chính mà còn là tổ chức lại không gian phát triển, tái cấu trúc hệ thống quản trị, hướng tới xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiện đại, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đây cũng là bước đi quan trọng trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực tự chủ và trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh yêu cầu “vừa chạy vừa xếp hàng” trong quá trình triển khai, bởi có rất nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành trước ngày 30/6/2025, thời điểm Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực và cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động, cấp xã mới đi vào vận hành. Các địa phương cần khẩn trương chuẩn bị cho đại hội Đảng cấp xã ngay từ đầu tháng 7.
"Thời gian còn lại là rất ít, rất ngắn; nếu chúng ta không quyết liệt vào cuộc, không tích cực, khẩn trương thì sẽ không thể đạt được yêu cầu, tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Trung ương. Làm nhanh nhưng chất lượng phải cao và không để xảy ra sơ suất", Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Phó Thủ tướng hoan nghênh sự chủ động và tích cực của 3 tỉnh trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác sắp xếp, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp sau sáp nhập, đặc biệt là trong xây dựng văn kiện đại hội và bố trí đội ngũ cán bộ công chức một cách công tâm, minh bạch và đúng năng lực.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm công tâm, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc, đúng năng lực; có phương án điều động, luân chuyển, đào tạo lại, giải quyết chế độ chính sách hợp lý cho những người nghỉ việc theo nguyện vọng hoặc chuyển công tác.