Vấn đề quan tâm

Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Tạo cú hích cho khu vực tư nhân

PV 21/05/2025 16:27

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đa số các đại biểu đồng tình, coi đây là bước đi cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

TPHCM tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh- Ảnh 1.
Ảnh minh hoạ

Sáng 20/5, Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Phiên thảo luận tập trung vào hai nội dung trọng tâm: bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp và định hướng chính sách đối với khu vực hộ kinh doanh – những nội dung được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế tư nhân, động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đa số đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao, cho rằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là cần thiết, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc sửa luật nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết, đồng thời kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung khái niệm "chủ sở hữu hưởng lợi" – người có quyền sở hữu thực tế hoặc chi phối doanh nghiệp. Quy định này nhằm thể chế hóa cam kết quốc tế của Việt Nam với Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) về phòng, chống rửa tiền, góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đánh giá đây là bước đi quan trọng, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, giúp hoàn thiện thể chế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) nêu rõ tính cấp thiết của quy định trong bối cảnh Việt Nam bị FATF đưa vào "danh sách xám". Còn theo đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), đây là công cụ quan trọng để chống rửa tiền, trốn thuế và tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng lưu ý về tính kỹ thuật của quy định này. Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, nên quy định nguyên tắc chung trong luật, còn chi tiết nên giao Chính phủ hướng dẫn. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, cần phân định rõ nghĩa vụ giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ để tránh tăng gánh nặng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn chủ yếu do gia đình điều hành.

Thực tế triển khai cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc xác định chính xác chủ sở hữu hưởng lợi. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và Nghị định 19/2023/NĐ-CP đã có quy định, nhưng việc thực thi tại các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn do phải dựa vào sự tự khai báo của khách hàng. Nếu áp dụng với toàn bộ doanh nghiệp, thách thức sẽ còn lớn hơn.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, khái niệm về chủ sở hữu hưởng lợi trong Dự thảo Luật đã được điều chỉnh theo hướng khái quát, tương đồng với luật hiện hành và đảm bảo yêu cầu của FATF. Ông cảnh báo, nếu không luật hóa nội dung này, Việt Nam có nguy cơ bị đưa vào "danh sách đen", ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư. Các tiêu chí cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết bằng nghị định.

Bên cạnh đó, nội dung về hộ kinh doanh cũng thu hút sự quan tâm. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nhấn mạnh, với hơn 5 triệu hộ, khu vực này đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế nhưng vẫn chưa được điều chỉnh đầy đủ trong Luật Doanh nghiệp hiện hành. Nghị quyết 68-NQ/TW đã yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế thuế khoán trước năm 2026 – một khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ Tài chính đang đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về hộ kinh doanh để xác định rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức và hoạt động của khu vực này. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ như miễn thuế thu nhập, giảm tiền thuê đất, đơn giản hóa thủ tục… sẽ được thực thi để thúc đẩy chuyển đổi. Việc quản lý hộ kinh doanh cũng sẽ được siết chặt thông qua yêu cầu kê khai thuế theo doanh thu thực tế và sử dụng hóa đơn điện tử.

Bộ trưởng kỳ vọng những cải cách này sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.

Phiên thảo luận cho thấy sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Những thay đổi liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi và hộ kinh doanh không chỉ nhằm tuân thủ cam kết quốc tế mà còn là bước đi chiến lược để xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, tạo bệ phóng vững chắc cho khu vực tư nhân – động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Tạo cú hích cho khu vực tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO