Với tiềm năng lớn từ hệ sinh thái khởi nghiệp, việc xây dựng một sàn giao dịch vốn chuyên biệt đang trở thành nhu cầu cấp thiết tại Việt Nam. Tuy nhiên, để ý tưởng này đi vào thực tiễn, cần có sự chung tay của cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp.
Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Hoàng Viết Tiến, đã chia sẻ với Doanh nhân & Công lý về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu và tiềm năng xây dựng một sàn giao dịch vốn chuyên biệt cho các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam?
Thực tế cho thấy, nhu cầu xây dựng sàn giao dịch vốn chuyên biệt cho các startup tại Việt Nam là rất cấp thiết, nhằm tạo sự minh bạch và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, ý tưởng này không phải là quá mới; và để thực hiện được việc này không đơn giản. Để làm được, chúng ta cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp và các startup.
Theo báo cáo SE Asia Deal Review do báo DealStreetAsia (Singapore) thực hiện, các startup Đông Nam Á chỉ gọi được 1 tỷ đô la vốn cổ phần trong quý 1/2024, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 50% so với quý 4/2023. Tổng cộng có 180 giao dịch hay thương vụ được thực hiện trong quý vừa rồi, giảm so với con số 193 của cùng quý năm trước. Trong số này, chỉ có 05 vụ đầu tư cho startup giai đoạn cuối.
Khảo sát gần đây cho thấy một nửa số doanh nghiệp khởi nghiệp (45,14%) đang ở giai đoạn Pre-seed), thể hiện sự tập trung mạnh mẽ ở giai đoạn chuẩn bị và nghiên cứu ý tưởng. Với 30,56% trong vòng gọi vốn Seed, thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng về số lượng startup chuyển từ giai đoạn chuẩn bị sang giai đoạn thực hiện ý tưởng và sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 17,36% các doanh nghiệp đang ở giai đoạn Series A. Điều này có thể phản ánh sự khó khăn mà các startup phải vượt qua để tiến xa hơn trong quá trình phát triển và gọi vốn.
Hiện nay, các startup đang chủ yếu tập trung vào phát triển sản phẩm, và đa số các startup đều xuất hiện trong ngành công nghệ. Có hai điểm mà chúng ta cần lưu ý phải có sự hỗ trợ của sàn giao dịch vốn.
Đó là, các bạn đang chú tâm quá sâu vào công nghệ mà quên đi những phần quan trọng của vận hành một doanh nghiệp. Cần phải nhớ rằng, bản chất vấn đề nằm ở chỗ: “Bán sản phẩm dịch vụ khách hàng cần, không phải bán sản phẩm dịch vụ mình có”. Và đây cũng là “tử huyệt” của khá nhiều startup khi bắt đầu đưa ra thị trường.
Thứ nữa, các startup khi có sản phẩm dịch vụ cũng không biết tìm đâu được nhà đầu tư đúng nghĩa, tức là các nhà đầu tư được “chứng thực” sẽ cùng đồng hành với họ trong tương lai. Hiện nay, các quỹ đầu tư thường có hai khẩu vị: Một là, các quỹ rót vốn cho các startup chủ động chạy và họ chỉ quan tâm đến kết quả. Hai là, các quỹ rót vốn và cùng tham gia điều hành cùng các startup.
Theo ông, khung pháp lý hiện hành đã hỗ trợ như thế nào trong hoạt động của các sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp tại Việt Nam?
Khung pháp lý hiện hành đã có những bước đi tích cực nhưng vẫn cần hoàn thiện hơn để hỗ trợ hoạt động của các sàn giao dịch vốn và quỹ đầu tư khởi nghiệp. Như chúng ta đã biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Công văn số 2399/VPCP-DMDN về việc xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Dòng vốn cho startup công nghệ bị thiếu hụt trong giai đoạn vừa qua là hiện tượng chung toàn cầu. Theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cuối tháng 4 vừa rồi, tình trạng thiếu các thương vụ đầu tư báo tín hiệu việc thoái vốn các startup công nghệ sẽ gia tăng. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm và chuyển dịch qua mua bán và sáp nhập (M&A) nhiều hơn.
Việc xây dựng sàn giao dịch vốn cho các startup chúng ta cần tham vấn nhiều ý kiến của các bên có liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo tôi, việc đầu tiên chúng ta cần đó là: Mô hình sàn để hoạt động cần tuân thủ các hành lang pháp lý hiện hành; đảm bảo minh bạch với hệ thống quy định hoạt động, quy trình gọi vốn, quyền lợi trách nhiệm các bên khi tham gia sàn, giải quyết tranh chấp…
Đồng thời, việc đảm bảo bảo mật thông tin là yếu tố tối quan trọng, giúp bảo vệ dữ liệu của cả nhà đầu tư lẫn các startup. Cùng với đó, việc xây dựng quy trình thẩm định hiệu quả sẽ giúp hạn chế rủi ro, tạo niềm tin cho các bên tham gia.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và điều hành sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp?
Cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hành lang pháp lý và thúc đẩy sự phát triển bền vững của sàn giao dịch vốn. Để đảm bảo tính bền vững, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo hoạt động minh bạch và hiệu quả của sàn giao dịch.
Hiện nay vấn đề pháp lý đang tác động tích cực tới thị trường và ảnh hưởng trực tiếp tới các startup, đặc biệt startup về công nghệ. Chúng ta phải kể đến như Nghị định 13 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật An ninh mạng, hay gần đây là Thông tư quy định hoạt động đại lý thanh toán, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Những nghị định và thông tư trên cũng nằm trong ecosystem của vòng sản phẩm dịch vụ của các tập đoàn, doanh nghiệp, và sàn giao dịch vốn cũng là đối tượng không nằm trong sự tác động này.
Cụ thể, về tác động tới quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài nước: Họ sẽ cân nhắc kỹ hơn trong việc tham gia sàn và việc minh bạch trên sàn tại thị trường Việt Nam. Với các startup: Họ sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận và được sàn với sự cho phép của nhà nước được lọc các nhà đầu tư chất lượng và uy tín hơn. Còn đối với thị trường: Chúng ta có thể thấy sự ấm lại của thị trường sau 3 năm được gọi là “ngủ đông”. Do đó, các startup cần chủ động cải thiện năng lực quản trị tài chính, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường và tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Cũng cần lưu ý rằng, đây là cơ hội mở ra cho cả ba bên, bao gồm: Nhà nước, nhà đầu tư và cả doanh nghiệp. Đối với Nhà nước: Tạo được môi trường pháp lý minh bạch và hiệu quả cho thị trường Việt Nam. Đối với nhà đầu tư: Đây là việc tín hiệu mừng khi họ đặt niềm tin vào thị trường khi có sự bảo hộ của Chính phủ. Và đối với doanh nghiệp, đó là cơ hội sẽ có được nguồn vốn từ những nhà đầu tư thiên thần.
Việt Nam có thể học hỏi gì từ các quốc gia khác về cách thức xây dựng sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp, thưa ông?
Hàn Quốc là một ví dụ điển hình với chính sách hỗ trợ đồng bộ từ chính phủ, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ. Chính phủ nước này đã cam kết chi 2 tỷ USD ngân sách để hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế để hỗ trợ hai tác nhân chủ yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp là doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư cho khởi nghiệp. Nhờ sự phát triển của tác nhân này đã thúc đẩy sự phát triển của các tác nhân khác để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ngày một phát triển rộng rãi và bền vững hơn.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, để có thể tạo dựng được một quốc gia khởi nghiệp, việc đầu tiên đó là cần đánh giá đúng thực trạng hoạt động khởi nghiệp trong nước, từ đó cụ thể hóa chủ trương xây dựng quốc gia khởi nghiệp bằng một chương trình tổng thể với những bước triển khai cụ thể để dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cùng với đó, điều quan trọng là tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sinh ra và phát triển. Từ thành công của mô hình Sàn chứng khoán chuyên biệt Korea New Exchange của Hàn Quốc, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu xây dựng sàn chứng khoán chuyên biệt, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn hiệu quả, vừa cung cấp môi trường giao dịch minh bạch cho nhà đầu tư. Điều quan trọng là cần đánh giá đúng thực trạng khởi nghiệp trong nước, từ đó xây dựng lộ trình triển khai cụ thể. Sàn giao dịch cần đóng vai trò là nơi kết nối các bên, cung cấp thông tin minh bạch, đồng thời đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!