Sự kiện bình luận

Sửa luật tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam

Mai Thoa 31/10/2024 11:18

Tại phiên Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đề cập đến Luật Đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, những vấn đề khó và vướng đã cơ bản được Chính phủ lựa chọn đưa vào sửa đổi.

Phương cách xử lý dự án chậm tiến độ

Một trong những sửa đổi quan trọng liên quan đến đầu tư công là, quy định chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

z5984470947632_7eba7eaa007e31ca6a242b190211ccf9.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, các địa phương đang rất cần quy định này, bởi trên thực tế có những trường hợp có được dự án bằng quan hệ, còn năng lực thực thi không có, sau đó chuyển nhượng, gây lãng phí rất lớn.

Cũng về nội dung này, đại biểu Vũ Đại Thắng (Đoàn ĐBQH Quảng Bình) nêu một số vướng mắc trong thực hiện các Luật này.

Đó là những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân, chậm trễ trong thủ tục đầu tư, chờ đợi giữa quy hoạch cấp này với quy hoạch cấp khác, chậm trễ trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng.

Theo đại biểu, đây là những luật mới được thông qua nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân, chậm trễ trong thủ tục đầu tư, chờ đợi giữa quy hoạch cấp này với quy hoạch cấp khác, chậm trễ trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng… Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tổng thể các điều khoản còn vướng mắc, xung đột lẫn nhau là cần thiết, cấp bách. Nếu không sẽ gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Đại biểu Vũ Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Tương tự, đối với công tác đấu thầu các công trình, dự án đầu tư công, sửa đổi với mong muốn lựa chọn được các nhà thầu có chất lượng cao, có uy tín thực hiện, nhưng các điều khoản trong dự thảo luật lại không đảm bảo tính khả thi, chủ yếu vẫn quy định theo giá thấu đầu.

Về trình tự của đầu tư công, đại biểu khẳng định, trình tự do con người đặt ra nhưng có tình trạng “quy trình này ràng buộc quy trình kia, thủ tục này ràng buộc thủ tục khác”. Để thực hiện một dự án đầu tư công, phải áp dụng quy định của nhiều luật khác nhau như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, liên quan đến quy định sử dụng đất rừng, đất ruộng… Mỗi quy trình đều yêu cầu thủ tục từ khâu lập hồ sơ, thẩm định, thẩm tra trước khi các cấp có thẩm quyền quyết định.

Bỏ việc "không làm được thì cấm" và cơ chế 'xin-cho"

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội với chủ trương của Trung ương, tinh thần của Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy làm luật. Đây là tư tưởng rất mới, rất đột phá.

Đó là xây dựng pháp luật phải vừa phục vụ quản lý, vừa phải kiến tạo phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước.

Ông nhấn mạnh tinh thần, phải bỏ việc “không làm được thì cấm” và cơ chế “xin - cho”, tránh tình trạng níu kéo "quyền anh, quyền tôi".

Quy định trong các luật chung, rồi luật chuyên ngành nhưng cuối cùng cũng tạo ra các thủ tục và các "cơ chế xin - cho". Điều đó không theo kịp sự phát triển, do đó lần này phải khắc phục.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phân cấp, phân quyền triệt để hơn; cắt giảm thủ tục hành chính triệt để hơn, làm sao ngắn gọn hơn, giảm thời gian, chi phí, không đánh mất cơ hội của nhà đầu tư.

Cũng tại phiên thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể của 4 luật là cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi xem xét, quyết định dự luật này, Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng. Việc sửa đổi luật phải bảo đảm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Đối với Luật Đầu tư, Luật PPP, vừa qua áp dụng cho thấy, muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, phải sửa đổi một số điều khoản. Luật Đấu thầu cũng phải sửa đổi để bảo đảm chọn được nhà thầu có năng lực, thi công được các công trình chất lượng, tầm cỡ quốc gia.

Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, chắc chắn trước khi ấn nút thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO