Cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản (BĐS), một số dự án BĐS “bỏ hoang" đã được tái khởi động, triển khai trở lại.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), kể từ năm 2018 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường BĐS, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý, khiến hàng loạt dự án bị đình trệ kéo dài.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau giai đoạn khó khăn, cùng với sự hồi phục của thị trường BĐS Việt Nam, một số dự án BĐS “bỏ hoang" đã được tái khởi động, triển khai trở lại. Đặc biệt là các dự án căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong bối cảnh giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao.
Các dự án có thông tin triển khai trở lại trong thời gian qua có thể kể đến như dự án Astral City (TP.Thuận An, Bình Dương), dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), dự án QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội), KĐT Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An),...
Việc "hồi sinh" những dự án này không chỉ là cơ hội cho các chủ đầu tư có nguồn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải “cơn khát" về nhà ở cho người dân.
Lý giải nguyên nhân, VARS cho hay, một số dự án bất động sản “đắp chiếu" lâu năm có dấu hiệu tái khởi động, giới thiệu ra thị trường. Kết quả này là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, dự án.
Đồng thời nhờ nguồn vốn được bổ sung từ hoạt động mua bán, sáp nhập. Cũng như sự tự tin của các chủ đầu tư trước các kết quả phục hồi tích cực của thị trường.
Đặc biệt, việc cải thiện môi trường pháp lý thông qua 3 bộ Luật quan trọng: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, chính thức có hiệu lực sớm hơn 5 tháng với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS.
Việc khôi phục các dự án BĐS bị đình trệ được coi là yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp BĐS tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để có thể “tái khởi động” thành công các dự án, không phải là điều đơn giản. Bởi lẽ đi kèm với nhiều khó khăn, thách thức. Ngay cả khi các vướng mắc về pháp lý đã được gỡ, thì áp lực về tài chính cũng là điều vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp.
Theo quan điểm của VARS, trong quá trình “tái khởi động” dự án bị “đắp chiếu”, các doanh nghiệp cần có sự cân nhắc, tính toán rất kỹ. Trong nhiều tình huống, phải chấp nhận “lãi ít”, hòa vốn, thậm chí “lỗ” để đảm bảo xử lý dứt điểm các tồn đọng. Ưu tiên mục tiêu duy trì và ổn định bộ máy hoạt động, đảm bảo guồng quay hoạt động sản xuất, kinh doanh hơn là tối đa hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác cùng đồng hành, “góp gạo thổi cơm chung” cũng là một phương án tốt, giúp doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính.
Đối với các dự án phải tạm dừng do gặp các khó khăn về pháp lý, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai tháo gỡ, giải quyết triệt để các vướng mắc cho doanh nghiệp, để các dự án được triển khai liền mạch, “bơm" nguồn cung ra, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá BĐS nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực.
Nhà nước cần tiếp tục triển khai, thúc đẩy, hỗ trợ các chương trình phổ biến pháp luật để đảm bảo thị trường hiểu đúng, đủ; Bám sát thị trường, sẵn sàng nghiên cứu, thực hiện các điều chỉnh, bổ sung nếu nhận thấy bất cứ một dấu hiệu nào chưa phù hợp; Có biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, tạo điều kiện để đảm bảo bộ máy nhân sự trong các cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng vào cuộc với doanh nghiệp.