Đề cập tới nội dung liên quan tới thị trường bất động sản trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn.
Tại Phiên họp thứ 38, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, nhiều vấn đề đáng lo ngại khác của thị trường bất động sản đã được nêu tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch năm 2025, của Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Trong khi đó, từ đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của thành phố Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến.
Lý giải nguyên nhân giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của TP. Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến. Theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến cho rằng, do nguồn cung căn hộ tại TP. Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn.
Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khi phân khúc chung cư bình dân khan hiếm, khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội.
Cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu thực tế giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường. Tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng/m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng/m2 - gấp 18 lần mức khởi điểm.
Trong đó, một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra và trúng đấu giá cũng gấp hàng chục lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, diễn ra tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ.
Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, người dân tiếp cận được nhà ở, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, tăng quản lý, giám sát và tăng nguồn cung cho thị trường. Việc này nhằm ổn định, thúc đẩy thị trường và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Góp ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận xét việc nhiều địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn khiến chính sách chậm đi vào cuộc sống, không phát huy tác dụng tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản. Ông đề nghị Chính phủ thúc giục các địa phương đẩy nhanh ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành 3 luật liên quan bất động sản, không để chậm hơn nữa.
Ghi nhận những vấn đề đưa ra trong báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025; chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới; vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.