Tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng công nghệ số

Thu Hoài 04/04/2024 10:31

Với mục tiêu mở rộng các định hướng và hiện thực hóa công tác quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản, sản phẩm OCOP năm 2024, chương trình "Chợ phiên OCOP" đã giúp người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở ra những con đường mới để đưa các sản phẩm nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng.

Lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và TikTok Việt Nam - Hành trình nâng tầm nông sản Việt. (Hình ảnh: Baodautu)

Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với TikTok Việt Nam đã tổng kết 1 năm hợp tác. 

Sau một năm triển khai, "Chợ phiên OCOP" đã đem lại hiệu ứng vô cùng tích cực, góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị chương trình OCOP đối với người dùng mạng xã hội như: hashtag #OCOP đạt 1,4 tỷ lượt xem; hơn 800 phiên livestream "Chợ phiên OCOP" được tổ chức với doanh số của chương trình đạt hơn 100 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.

Bên cạnh đó, cùng với các chiến dịch quảng bá sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch nông thôn, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng TikTok Shop thí điểm chương trình "Hạt giống OCOP" với mục tiêu xây dựng cộng đồng nhà bán hàng OCOP uy tín trên nền tảng số.

Trong năm 2023, sáng kiến Chợ phiên OCOP nằm trong khuôn khổ hợp tác đã thành công mang sản phẩm OCOP cùng nông đặc sản địa phương quảng bá đến đông đảo cộng đồng trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop. Chương trình đã đi qua 38 tỉnh thành từ Bắc vào Nam như: Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Cần Giờ (TP. HCM), Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau… Bằng sự nỗ lực hợp tác giữa các đơn vị đã góp phần mang lại những tác động tích cực đối với kinh tế địa phương và ngành nông nghiệp.

Phiên livestream bán nông sản thu hút hàng nghìn người xem. (Hình ảnh: Vnbusiness)

Đáng chú ý, trong giai đoạn thử nghiệm 2023, chương trình đã ươm mầm thành công hàng trăm doanh nghiệp, chủ thể OCOP đi từ những phiên livestream “0 đồng” đến phiên livestream “trăm triệu”.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến những kênh bán hàng đầy triển vọng như: Thịt Chua Trường Foods (sản phẩm thịt chua Phú Thọ), Chuyện nhà Rex Messi (sản phẩm Long nhãn ôm sen Hưng Yên), Tú Trinh Foods (sản phẩm bún tươi đông lạnh Đồng Tháp), Mật Ong Phương Di (mật ong Gia Lai), Hồi ức 1997 (sản phẩm Mỳ Chũ, Chè Lam đặc sản Bắc Giang)...

Đặc biệt, từ đầu năm 2024, trên nền tảng TikTok đã có riêng một tab riêng mang tên “Tự hào hàng Việt" nằm trong Trang mua sắm (Shopping Center) nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ các nhà bán trong nước có thêm các ưu đãi về lưu lượng, chiết khấu và không gian để quảng cáo sản phẩm của mình.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Thương mại điện tử là một trong những trụ cột góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam. Đối với ngành nông nghiệp, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên phương tiện số là một trong những giải pháp trọng tâm của chương trình.

Trong năm 2024, theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam: Chợ phiên OCOP tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của TikTok. Theo đó, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và nông dân thúc đẩy kinh doanh trên nền tảng số, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn, tạo đà quảng bá các giá trị văn hoá địa phương lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nền tảng của TikTok.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO