Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh – Xã hội cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020.
Ngày 27/12, Bộ Lao động Thương binh – Xã hội (LĐTB-XH) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, đề xuất các nhiệm vụ năm 2025. Thông tin từ báo cáo của Bộ cho biết, thị trường lao động năm 2024 phục hồi tích cực, với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người, tăng 210.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 2,38%. Đặc biệt, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, với 26,6% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm đáng kể so với các năm trước.
Bên cạnh đó, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng ghi nhận sự phát triển, ước tính cả năm 2024 đưa khoảng 150.000 lao động ra nước ngoài làm việc, con số này đạt 120% kế hoạch. Lực lượng lao động đông đảo đã mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ người lao động hồi hương tái hòa nhập thị trường trong nước cũng được triển khai hiệu quả.
Cũng trong năm nay, các cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện, trong đó tập trung vào thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách tiền lương trong doanh nghiệp như điều chỉnh mức lương tối thiểu (tăng bình quân 6%).
Từ đó, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020), nhờ đó đời sống của người lao động có sự cải thiện đáng kể.
Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cơ bản giữ được sự hài hòa và ổn định, các hoạt động đối thoại, thương lượng ngày càng đi vào thực chất, số cuộc đình công giảm còn 49 cuộc, góp phần duy trì sự ổn định, hài hòa trong quan hệ lao động.
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng đạt được những kết quả tích cực. Tính đến tháng 12/2024, có khoảng 20,1 triệu người tham gia BHXH, chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 4 triệu người so với năm 2020. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được triển khai hiệu quả, với 15,8 triệu người tham gia, chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Báo cáo của Bộ cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế có thể kể đến như:
Thứ nhất, thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên, có sự thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thứ hai, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn; chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Từ những thực tế trên, năm 2025, lĩnh vực lao động xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm.
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức.
Ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao; tăng cường công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.
Làm tốt công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đảm bảo hài hoà việc cung ứng lao động chất lượng cao nước ngoài vào làm việc, hỗ trợ và thúc đẩy chất lượng lao động trong nước.