Sáng 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự sự kiện Chuyển đổi Số ngành Ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức có chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số.”
Thủ tướng kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. (Ảnh: H.Linh)
Phát biểu tại sự kiện “Chuyển đổi Số ngành Ngân hàng năm 2024”, Thủ tướng cho biết, việc xác định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững”.
Theo cùng với đó, trọng tâm được đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành Ngân hàng với vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành Ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này”, Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số nhằm chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ tín dụng. Trong đó, đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật. Đó là các dịch vụ không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước với số lượng người dùng, giá trị thanh toán ngày càng tăng.
Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50%. Tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP. Hạ tầng thanh toán được duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, hạn chế xảy ra sự cố, ách tắc.
Cần tiếp tục phát huy những thế mạnh, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. (Ảnh minh hoạ)
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã rất tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể là về xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID. Ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong thanh toán (sinh trắc học khuôn mặt; thanh toán một chạm, bằng mã QR…); ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp. Kết nối thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, thuê xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… gắn với hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số ngân hàng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số mặt hạn chế như: vướng mắc về thể chế; hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế; việc đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức; các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các công nghệ nghệ mới (Fintech) còn hạn chế; thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin...
Để tiếp tục phát huy những thế mạnh, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Thủ tướng đã nêu rõ ba mục tiêu thời gian tới của Chuyển đổi Số ngành Ngân hàng, trong đó cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với các dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng; góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.