Mở rộng chính sách nhà ở xã hội cho gia đình đông con và người yếu thế có con là chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 22/5.
Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về: dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí; đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Dân số.
Với đề nghị xây dựng Luật Dân số, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển trạng thái từ quan điểm "dân số kế hoạch hóa" sang quan điểm dân số phát triển và ứng phó già hóa dân số, các chính sách phải thúc đẩy điều này.
Thủ tướng lưu ý vừa quan tâm số lượng, vừa nâng cao chất lượng dân số, có chính sách khuyến khích phù hợp với việc sinh con và phát triển con người toàn diện cả về "đức - trí - thể - mỹ", như nghiên cứu mở rộng chính sách nhà ở xã hội cho cả các gia đình đông con, các đối tượng yếu thế khi có con…
Hiện nay, nhóm đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội gồm người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn; hộ gia đình ở nông thôn bị ảnh hưởng thiên tai.
Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở đô thị; lao động trong, ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công an, công chức, viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu; cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, những người đã trả lại nhà công vụ; học sinh, sinh viên; người phải giải tỏa, phá dỡ nhà do bị thu hồi đất; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã trong khu công nghiệp cũng là những đối tượng được ưu tiên thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Khi nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội lớn, các cơ quan liên quan sẽ xét đến các điều kiện tiếp theo, chẳng hạn thu nhập, khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc...
Trong 4 tháng đầu năm 2025 đã có 15.614 căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành, 17 dự án đã được khởi công với quy mô 17.664 căn.
Nhiều địa phương đã bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động, tích cực đôn đốc các chủ đầu tư khởi công, hoàn thành các dự án nhà ở xã hội, đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu của Đề án đến năm 2025 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa có dự án được khởi công hoặc có dự án được khởi công nhưng tỷ lệ hoàn thành thấp. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Để quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được giao trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030, Bộ Xây dựng đã có công điện đôn đốc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đề nghị các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Trong đó, cần thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.