Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 7, số dư đã phá kỷ lục của tháng trước, đạt 6.389.593 tỉ đồng.
Xô đổ mức kỷ lục số dư tiền gửi của tháng trước
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 6-10, tính đến cuối tháng 7, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6.389.593 tỉ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022.
Như vậy, tính đến tháng 7 là tròn 1 năm, số dư tiền tiết kiệm gửi của dân cư gửi vào ngân hàng liên tiếp tăng. Số dư tiền gửi của tháng sau phá kỷ lục số dư tiền gửi của tháng trước. So với cuối tháng 8-2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng đã tăng thêm gần 752.600 tỉ đồng.
Còn so với tháng 6, số dư tháng 7 đã vượt kỷ lục của tháng 6 khi tăng thêm 6.707 tỉ đồng. Còn đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7, số dư đạt 5.909.707 tỉ đồng, giảm hơn 74.200 tỉ đồng so với tháng 6.
Lãi suất tiền tiết kiệm gửi lại giảm sâu
Trong khi đó, trên thị trường, lãi suất huy động lại theo chiều hướng ngược lại, các ngân hàng liên tiếp giảm kể từ tháng 3 trở lại đây. Mới đây nhất ngày 3-10, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục giảm lãi suất huy động 0,2%/năm ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Theo đó, mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ còn 5,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Lần gần nhất là ngày 14-9, Vietcombank cũng đã giảm lãi suất 0,3%/năm cho tiền gửi tiết kiệm ở loạt kỳ hạn.
Còn 3 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ mức lãi suất huy động như từ giữa tháng 9. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất là 5,5% cho kỳ hạn 12 tháng.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động niêm yết những ngày đầu tháng 10 theo xu hướng giảm, với mức giảm 0,1-1%/năm so với cùng kỳ tháng 9.
Lãi suất huy động phổ biến được các ngân hàng áp dụng là 5,5-6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Còn kỳ hạn 6-9 tháng, mức áp dụng là dưới 5%/năm. Kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng chỉ còn quanh 4%/năm. Các mức lãi suất huy động hiện nay được đánh giá là thấp hơn so với thời điểm diễn ra dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia ngân hàng, lãi suất đầu vào giảm sâu trong bối cảnh các ngân hàng đang chữa bệnh thừa tiền, tức là huy động nhiều hơn cho vay ra. Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 30-9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến 30-9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12.900.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, về cho vay, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12.630.000 tỉ đồng, ước tăng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022.
Lê Thanh (TTO)