Chiều tối 22/12, lãnh đạo TP.HCM có buổi gặp gỡ các thành viên Hội đồng quản lý, thành viên sáng lập, thành viên mạng lưới Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM (C4IR).
Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, việc thành lập C4IR nhằm hiện thực hoá Nghị quyết 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM (C4IR) được thành lập trên cơ sở triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) giai đoạn 2023 - 2026 và thỏa thuận hợp tác thành lập được ký kết giữa UBND TP.HCM và WEF.
C4IR thành lập ngày 25/9/2024, đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, nhằm xác định triển khai 5 lĩnh vực trọng tâm gồm: AI và hệ sinh thái AI; bán dẫn và hệ sinh thái bán dẫn; sản xuất thông minh, tiên tiến và chuyển đổi số, số hóa; tăng trưởng xanh, bền vững; tài chính dự án, tài chính xanh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản lý C4IR, cho biết trung tâm đang đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia của WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới). Đồng thời tranh thủ tinh hoa tri thức, kinh nghiệm từ mạng lưới C4IR toàn cầu và các đối tác để nghiên cứu và soạn thảo Báo cáo chính sách số 1. Nội dung chính tập trung vào cách để Việt Nam có thể tích cực tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Riêng trong năm 2025, trung tâm đã xác định gần 20 hoạt động tiêu biểu, trong đó phải kể đến chiến lược phủ kín mạng 5G cho TP.HCM do Tập đoàn Viettel phụ trách; đào tạo 1.000 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn…
Cũng tại buổi gặp gỡ, các thành viên hội đồng quản lý, thành viên sáng lập và thành viên mạng lưới trung tâm C4IR đã chia sẻ về định hướng hợp tác, các sáng kiến, hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
Một số nội dung trọng tâm được đem ra thảo luận gồm: Kế hoạch cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng AI trong lĩnh vực vận tải hàng không; nghiên cứu phát triển bán dẫn và hệ sinh thái bán dẫn; lộ trình phủ kín mạng 5G cho TP.HCM; các vấn đề như thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, tài chính xanh cho TP.HCM…
Trao đổi với Hội đồng quản lý C4IR, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, việc thành lập HCMC C4IR nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Tôi tự hào vô cùng và tôi nghĩ từng thành viên ở đây cũng vậy. Việc thành lập HCMC C4IR nhờ có sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, cũng xin cảm ơn các thành viên sáng lập, Hội đồng quản lý C4IR, Ban Giám đốc,... đã góp phần làm được việc này”.
Hy vọng, Hội đồng quản lý C4IR với tâm thế mới, khí thế mới sẽ cùng TP.HCM bước vào kỷ nguyên mới, đóng góp cho TP.HCM và cả nước ở lĩnh vực mới là cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cam kết TP.HCM dành sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ cũng như dành mọi nguồn lực để C4IR hoạt động có hiệu quả trong giai đoạn 3 năm tới đúng tinh thần, mong muốn, kế hoạch đề ra.
“C4IR là mô hình tiêu biểu cho sự hợp tác công tư, thể hiện sự tiên phong, gương mẫu để bước vào kỷ nguyên mới với tư duy mới. C4IR cần có hành động ngay để ra được kết quả”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu C4IR cần đề xuất thúc đẩy động lực phát triển mới, tham gia xây dựng chính sách chiến lược ở tầm quốc gia, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp… để có thể triển khai ngay trong năm 2025.