Văn hóa - Du lịch

Trà Vinh phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

Anh Đức 25/09/2024 14:21

CLY - Trà Vinh, một tỉnh nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhờ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa.


thienvientruclamtravinh.jpg
Phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Thiền Viện Trúc Lâm Trà Vinh – Ảnh: Phan Minh)

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó tạo nền tảng trong phát triển du lịch tại địa phương.

Trà Vinh được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh. Đây là một trong những sản phẩm khác biệt của Trà Vinh so với các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh hiện có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer là những công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo; 2 bảo vật quốc gia, 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 16 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh.

Những năm qua, Tỉnh Trà Vinh đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng. Đến với Huyện Cầu Kè thuộc tỉnh Trà vinh có các di tích văn hóa, nhà cổ cùng những tín ngưỡng tôn giáo độc đáo đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa của tỉnh. Bênh cạnh đó, sự kiện Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh gắn với tuần lễ Vu lan Thắng hội năm 2024 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trà Vinh đang hướng đến cộng đồng dân tộc Khmer để xây dựng đời sống văn hóa gắn với các yếu tố bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch phát huy bản sắc văn hóa nội địa. Đến Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh, du khách được trải nghiệm chuỗi liên kết khu du lịch di tích danh thắng Ao Bà Om; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng; Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, thưởng thức âm nhạc từ dàn nhạc ngũ âm, múa trống Chhay-dăm, các điệu múa dân tộc, tham quan làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ, tham quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mặt nạ truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc Khmer.

Những năm gần đây, Trà Vinh đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, tỉnh đã đề ra nhiều định hướng quan trọng để bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, trong đó có lễ Vu lan thắng hội, một di sản mới được công nhận đưa vào di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Xác định du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần đi sau nhưng phải vượt lên trước, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã không ngừng phát triển các tuyến điểm du lịch mới để thu hút du khách. Tuyến du lịch văn hóa cộng đồng "Thành phố Trà Vinh - Làng Văn hóa Du lịch Khmer - Cồn Chim" đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, các tuyến du lịch sinh thái như "Thành phố Trà Vinh - Làng Văn hóa Du lịch Khmer - Cồn Hô"; "Thành phố Trà Vinh - Cầu Ngang - Cồn Ông - Biển Ba Động" mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ về thiên nhiên và văn hóa.

chua-co.jpg
Chùa Cò – một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Trà Vinh.

Những điểm du lịch văn hóa của tỉnh Trà Vinh đã thu hút đông đảo khách trong và ngời nước đến tham quan và du lịch. Năm 2023, tỉnh đã thu hút 2,1 triệu lượt khách, tăng 49,72% so với năm 2022, mang lại doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, tổng lượt khách đạt hơn 1,5 triệu, tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngành du lịch Trà Vinh đã xác định loại hình du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa, mang nét đặc trưng văn hóa Khmer là sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao.

Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh Trà Vinh đang triển khai công tác sưu tầm, hệ thống hóa các hiện vật có liên quan, xây dựng kịch bản thống nhất đối với những nội dung cơ bản nhất của Lễ hội Đom Lơng Néak Tà (hay còn gọi là Lễ hội Ông Tà) của người Khmer là loại hình lễ hội truyền thống, diễn ra trên khắp địa bàn tỉnh Trà Vinh để hướng đến hình thành tài nguyên du lịch nhằm gắn với sự phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.

Cùng với việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer địa phương được nâng cao. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Trà Vinh luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, theo xu hướng hiện nay, Trà Vinh cần đẩy mạnh công tác quảng bá di sản văn hóa và các điểm du lịch của tỉnh qua các kênh truyền thông hiện đại, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn dựa trên giá trị di sản. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch, từ đó tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống.

Việc duy trì và phát huy các giá trị di sản trong quá trình phát triển du lịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là của cả cộng đồng, góp phần tạo nên một Trà Vinh phát triển bền vững. Với những nỗ lực và chính sách đúng đắn, Trà Vinh hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trà Vinh phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO