Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất vừa diễn ra tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc ( UN Tourism) về du lịch nông thôn.
Du lịch vì sự phát triển nông thôn
Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, Hội nghị đã thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
Hội nghị tập trung vào ba chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, du lịch đã đóng góp không nhỏ, thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.
Du lịch nông thôn thực sự phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp, bao trùm và đa giá trị.
Theo bà Zoritsa Urosevic - Phó Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism), ngành Du lịch toàn cầu đã thành công vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn do đại dịch Covid 19 gây ra, trong đó thống kê cho thấy khách du lịch quốc tế đến hầu hết các khu vực trên thế giới đã vượt qua thống kê trước đại dịch.
Việt Nam là một trong số những điển hình tốt nhất không chỉ tại khu vực Đông Nam Á mà còn cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó thống kê từ thu nhập du lịch trong 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt qua thu nhập du lịch năm 2019...
Phát triển du lịch nông thôn theo hướng xanh, thân thiện, bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành “công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của các quốc gia và là xu hướng phát triển của tương lai. Hầu hết các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức, mô hình du lịch phong phú, đa dạng như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh…; trong đó, du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, bồi đắp, phát triển và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Đặc biệt, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc đang mở rộng triển khai “Chương trình Du lịch vì sự phát triển nông thôn” nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa và phù hợp với ba trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng đó là “phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương”.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, thời gian tới, cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm bảo đảm thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương cùng với phát triển kinh tế.
Cùng với đó, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công-tư trong phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương...
Tại hội nghị Tổ chức du lịch Liên Hợp quốc đã trao giải làng du lịch tốt nhất năm 2024 cho làng rau Trà Quế, tỉnh Quảng Nam.
Đến nay, UN Tourism đã xây dựng Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất gồm 354 thành viên, gồm các làng du lịch nhận giải thưởng Làng Du lịch Tốt nhất qua 04 năm tổ chức giải thưởng (2021-2024) và các làng được tham gia vào Chương trình nâng cấp. Việt Nam đã có 03 làng được công nhận là Làng Du lịch Tốt nhất của UN Tourism: Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên, 2022), Làng Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình, 2023) và Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam, 2024).