Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn hội nhập mới, thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Mỹ. Mới đây, hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã đổ bộ về thị trường Việt Nam với mong muốn đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế, mở ra triển vọng về nguồn vốn FDI trong tương lai gần.
Ảnh minh họa
Trong ngày 18 – 21/3 vừa qua, Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho biết, đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 50 công ty hàng đầu của Mỹ thăm và làm việc tại Việt Nam. Các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ tham gia đoàn doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ, năng lượng, năng lượng sạch, hàng không và quốc phòng, sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, dịch vụ tài chính, y tế, quỹ đầu tư.
Một số lĩnh vực tại Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Mỹ như: Sức khoẻ, năng lượng, viễn thông, nhà hàng, khách sạn. Việt Nam cũng mở rộng đầu tư sang Mỹ trong lĩnh vực có thế mạnh, như xe điện, tạo ra hàng nghìn việc làm, đúng với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo giữa hai nước.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến tháng 2-2024, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 473 tỉ USD đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ đứng thứ 11 với 1.347 dự án, tổng vốn đăng ký trên 11,8 tỉ USD.
Xét theo các lĩnh vực đầu tư vào năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu; Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 và Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4.
Bên cạnh đó, cũng trong năm 2023 vừa qua, về địa bàn đầu tư được quan tâm hay các dự án đầu tư lớn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương.
Các chủ trương thu hút đầu tư tại Việt Nam có chọn lọc, ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh; kinh tế số; kinh tế tuần hoàn…
Nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam như giữ vững môi trường kinh tế - chính trị ổn định, chú trọng vào các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số... Đồng thời, nêu cao quan điểm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.