Doanh nghiệp

Xu thế thương mại điện tử và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp

Quốc Huy 07/10/2024 14:00

Năm 2024 là năm tiếp tục bùng nổ của thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp. Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc dự báo và nắm bắt những xu hướng mới sẽ là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp thành công.

7db2c74f7368af36f679-01.jpg
Phiên livestream bán hàng chốt đơn liên tục và doanh số khủng của Võ Hà Linh từng gây chấn động mạng xã hội.

Việt Nam đứng đầu khu vực về mua sắm trực tuyến

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023, theo Statista). Có khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm.

Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8 của Google, Công ty Temasek và Công ty Bain & Company, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025.

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 và dự báo năm 2024 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) mới công bố cho thấy, doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2023 đạt gần 500 nghìn tỷ đồng và dự báo năm 2024, con số này sẽ đạt khoảng gần 650 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

Theo thống kê, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 cho thấy: có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn, tăng 52,3% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Hiện có 637.273 shop bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Trong đó, những ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ.

image-186.png
Các sàn thương mại điện tử mang tới nhiều lợi ích cho doanh nghệp. (Ảnh minh họa)

Năm 2023, sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới, điển hình là xu hướng livestream và bán hàng đa kênh, đã đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng thương mại điện tử chuyên nghiệp. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, thương mại điện tử sẽ chứng kiến những thay đổi xu hướng trong năm 2024 cũng như thời gian tới với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại di động.

Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại xã hội đã và đang thay đổi cách con người khám phá, lựa chọn và mua sản phẩm trực tuyến. Năm 2024, thương mại xã hội dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển, mang đến những cơ hội mới để doanh nghiệp tiếp cận và thu hút khách hàng.

Cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp

Trong năm 2024, dự báo bán lẻ đa kênh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thương mại điện tử. Các nền tảng bán hàng đa kênh sẽ là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn và tăng doanh số bán hàng trong môi trường trực tuyến, cung cấp trải nghiệm mua sắm nhất quán trên nhiều kênh.

Nghiên cứu thực tế này, đại diện Sapo nhận xét: xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt với 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh (cửa hàng và một số kênh online). Sàn thương mại điện tử tiếp tục là kênh bán hàng online được sử dụng nhiều nhất trong ngành bán lẻ. Điểm nhấn đặc biệt trong năm 2023 là các nhà bán hàng có xu hướng mở rộng thêm kênh TikTok Shop (tỷ lệ người kinh doanh bán chủ yếu trên kênh TikTok chiếm 5,9%, tăng nhẹ so với năm 2022).

2626_image1.png
Biểu đồ: Nguồn Báo cáo TMĐT Việt Nam của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

Bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh” trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tại các thành phố lớn đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên các sàn thương mại điện tử lớn, sự thay đổi về thuật toán trên các mạng xã hội ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị, chào bán sản phẩm của ngành bán lẻ.

Còn theo Metric - Nền tảng Số liệu Thương mại điện tử dành cho Doanh nghiệp, Thương hiệu và Nhà bán nhận định, mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Livestream và bán hàng đa kênh tiếp tục sẽ là trọng tâm nâng cao doanh thu cho nhà bán trong năm tới…

Những tiến bộ công nghệ AI, Machine Learning và Big Data ngày càng phổ biến và dễ ứng dụng hơn cho cả doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có sự thay đổi từ giao diện trên trang bán hàng trực tuyến; trải nghiệm mua hàng tinh tế, chính xác và an toàn hơn cho khách hàng; đến cách vận hành bán hàng, quản lý chuỗi cung ứng dựa trên dữ liệu thay vì đánh giá cảm tính.

Năm 2024 tiếp tục được dự báo sẽ là năm bùng nổ của thị trường nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử là một ngành đang phát triển rất nhanh chóng và có nhiều tiềm năng. Để có thể thành công trong ngành này, doanh nghiệp cần nắm bắt và áp dụng các xu hướng mới nhất, cũng như tạo ra những giá trị độc đáo, khác biệt cho khách hàng. Việc bắt kịp các xu hướng sẽ là công cụ hiệu quả để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu thế thương mại điện tử và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO