Chỉ trong 5 tháng đầu năm, cà phê đã xuất khẩu được 833 nghìn tấn cà phê đạt trị giá 2,9 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, nhiều khả năng thiết lập mức kỷ lục mới về giá thành.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 833 nghìn tấn, đạt trị giá 2,9 tỷ USD. (Ảnh minh họa)
Theo liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính, tháng 5/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 95 nghìn tấn, trị giá 400 triệu USD, giảm 37,5% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 4/2024; giảm 36,5% về lượng, nhưng tăng 3,9% về trị giá so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 833 nghìn tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng, nhưng tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính, tháng 5/2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 4.208 USD/tấn, tăng 11,7% so với tháng 4/2024 và tăng 63,6% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam tăng xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê. Robusta là chủng loại cà phê xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, lượng đạt xấp xỉ 650,57 nghìn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 58,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta của Việt Nam đạt mức 3.157 USD/tấn, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang tất cả các thị trường lớn tăng mạnh. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang Đức tăng 50,4%, đạt mức 3.211 USD/ tấn; Ý tăng 59,2%, đạt mức 3.085 USD/tấn; Tây Ban Nha tăng 135,8%, đạt mức 3.164 USD/tấn…
Giá cà phê nội địa hoàn toàn có khả năng thiết lập mức kỷ lục mới. (Ảnh minh họa)
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, lo ngại hoạt động sản xuất cà phê vụ 2024 - 2025 có thể thu hẹp tại các quốc gia cung cấp chính như Brazil và Việt Nam vẫn tiếp tục là nguyên nhân chính hỗ trợ giá Robusta. Trong khi đó, giá Arabica cũng nhận lực đẩy từ đà tăng của Robusta.
Ghi nhận ở thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 122.000 – 123.500 đồng/kg. Như vậy cà phê nội địa đang hướng về mức đỉnh lịch sử ghi nhận vào đầu quý II năm nay.
Các chuyên gia nhận định, nếu tín hiệu nguồn cung tại Việt Nam và Brazil chưa sớm chuyển biến tích cực, giá cà phê nội địa hoàn toàn có khả năng thiết lập mức kỷ lục mới.
Dự báo về tình hình xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 này, các chuyên gia cho rằng, giá sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng. Hiện tại, lượng cà phê tồn kho của Việt Nam không còn nhiều, một số chuyên gia ước tính chỉ khoảng gần 300.000 tấn và còn đến khoảng 4 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch niên vụ 2024 - 2025. Điều này cho thấy nguồn cung cà phê của Việt Nam ra thị trường vẫn rất hạn chế.
Theo phân tích của chuyên gia Hiệp hội Cà phê - ca Cao Việt Nam (Vicofa), trên thị trường thế giới, dự báo tháng 6 giá cà phê sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Thị trường tiêu dùng cà phê châu Âu, hiện biến động do sự mất cân bằng cung - cầu từ Việt Nam sau khi sản lượng cà phê Robusta thấp hơn mức trung bình trong niên vụ cà phê 2022/2023, ước đạt 28,5 triệu bao trong niên vụ 2023/2024.
Do những biến động bất ngờ của thị trường nên mức giá hiện nay vẫn còn rất cao, doanh nghiệp cũng chỉ mua từ từ chứ không dám nhập ồ ạt. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, giá cà phê tăng cao liên tục thời gian qua bên cạnh thiếu hụt nguồn cung còn có yếu tố đầu cơ, đẩy giá của các nhà đầu tư tài chính trên sàn.