Tình hình xuất khẩu nông sản trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả ấn tượng, trong đó tổng kim ngạch ước tính đạt hơn 19 tỷ USD và nhiều mặt hàng chủ lực đạt giá trị trên 1 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm. (Ảnh minh hoạ)
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước ước đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu cà phê có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là mặt hàng gạo, sau 4 tháng đã xuất khẩu được 3 triệu tấn, với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% về tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tiếp đến, rau quả cũng là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành rau quả đang được kỳ vọng lập nên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay khi lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong những tháng đầu của năm.
Cụ thể như xuất khẩu mít đạt tới 81 triệu USD, tăng 46%, xoài đạt 76 triệu USD, tăng gần 47%, dưa hấu đạt 56 triệu USD, tăng 66%... một số mặt hàng tăng đến 3 con số như: dừa đạt kim ngạch trên 45 triệu USD, tăng đến gần 113%, nhãn đạt 7,3 triệu USD, tăng 160%, hạt macca đạt 6 triệu USD, tăng 114%, hạt hạnh nhân đạt gần 6 triệu USD, tăng 274%.
Theo Tổng Thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc.
Về giá thành xuất khẩu, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã tăng giá mạnh trong thời gian qua như cà phê, hồ tiêu, ca cao, sầu riêng. Đây tiếp tục là những mặt hàng nông sản sẽ có xu hướng tăng trong năm nay.
Nguyên nhân của tăng trưởng là do nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, cũng như chất lượng nông sản của Việt Nam đang ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhiều quốc gia, khu vực.
Giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường đều tăng trong 4 tháng qua. (Ảnh minh hoạ)
Tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam, đó là giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường đều tăng trong 4 tháng qua. Trong đó, giá trị xuất khẩu năm 2024 tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi tăng 33,3%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông sản Việt Nam. Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành nông nghiệp đã có tăng trưởng rất đáng khích lệ, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội.
Các chuyên gia nhận định, ở quý II/2024, tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục tốt và có thể tốt hơn bởi đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn đang tăng lên.
Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi...; phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, hiện Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, hỗ trợ DN tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.