Dự án

27 dự án và 3.000 km cao tốc - Hứa hẹn những điểm đến đầu tư

25/09/2024 14:18

Từ ngày 18/8, các chủ đầu tư, nhà thầu tại 27 dự án/dự án thành phần cao tốc bước vào đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".

anh-minh-hoa-1.jpg
Đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km. Ảnh minh họa

Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, theo kế hoạch, đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.172 km (gồm 1.104 km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 và 68 km theo kế hoạch hoàn thành năm 2026, tuy nhiên có thể rút ngắn tiến độ để hoàn thành vào năm 2025).

Qua đánh giá tiến độ triển khai đến nay, mức độ hoàn thành theo kế hoạch được Bộ GTVT phân chia thành 3 nhóm. Cụ thể:

Nhóm 1: Gồm 13 dự án/dự án thành phần sẽ hoàn thành năm 2025 với tổng chiều dài 736 km. Trong nhóm này có 10 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản với tổng chiều dài 610 km.

Hiện tại, sản lượng thi công tại 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã đạt 38.231/76.674 tỷ đồng (đạt 49,2%). Nhiều dự án thành phần vượt tiến độ và đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành từ 3 đến 6 tháng. Đoạn 3,2 km thuộc hầm số 3 dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thi công từ 2 đầu có tiến độ hoàn thành năm 2026, tuy nhiên nhà thầu cũng đã nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để hoàn thành trong năm 2025.

03 dự án còn lại gồm: Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với chiều dài khoảng 51,5 km; Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài 20 km; Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (không bao gồm 3 km phạm vi cầu Phước Khánh với chiều dài 55 km.

Nhóm 2: Gồm 10 dự án/dự án thành phần cần phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành trong năm 2025 với tổng chiều dài 377 km.

Trong nhóm này, có 02 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài 111 km; Dự án cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ có chiều dài 29 km; Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan có chiều dài 12 km qua địa phận TP. Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, còn có Dự án thành phần 1 thuộc vành đai 3 TP.HCM chiều dài 47 km; Dự án thành phần 7 thuộc Vành đai 3 TP.HCM với tổng chiều dài 6 km; Dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với chiều dài 48 km. Dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chiều dài 48 km; Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang chiều dài 77 km; Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang chiều dài 27 km.

anh-minh-hoa-2.jpg
Theo kế hoạch, từ nay đến hết 2025 phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000 km đường cao tốc. Ảnh minh họa

Nhóm 3: Gồm 4 dự án/dự án thành phần và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 59 km có kế hoạch hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, cần nỗ lực triển khai mới bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

Các dự án trong nhóm này gồm: Dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài 18 km; Dự án thành phần 1 thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chiều dài 16 km; Dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 3 TP.HM chiều dài 11 km;

Dự án thành phần 5 thuộc Vành đai 3 TP.HCM chiều dài 11 km; 3km gói thầu J3-1 khu vực cầu Phước Khánh thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai thành công, hiệu quả Đợt thi đua cao điểm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp ủy đảng phải quyết liệt chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chính quyền phải hành động quyết liệt, đồng thời, vận động người dân và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng.

Về tổng thể, các bộ, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải thực sự vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại công trường dự án.

Bộ GTVT phát huy hơn nữa tính chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ để đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu xếp nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA bảo đảm khẩn trương, kịp thời, đáp ứng tiến độ các dự án. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thu xếp vốn cho chủ đầu tư tham gia các dự án hợp tác công tư (PPP), đáp ứng tiến độ và chất lương đề ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm tốt việc bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, đất, đá, cát, sỏi... phục vụ thi công công trình; bảo đảm công tác vệ sinh, môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng và nghiệm thu công trình, dự án kịp thời, đúng tiến độ, bảo đảm giá cả phù hợp kinh tế thị trường. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm tốt công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như đường điện cao thế, cáp ngầm trong phạm vi dự án.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, liên tục. Đồng thời, nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động; phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
27 dự án và 3.000 km cao tốc - Hứa hẹn những điểm đến đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO