7 nhóm hàng chủ lực góp gần 125 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm

Hoài An 01/07/2024 12:28

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 7 nhóm hàng chủ lực đã đóng góp gần 125 tỷ USD, dẫn đầu là nhóm điện tử bao gồm máy tính và điện thoại.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6 đầu năm, xuất nhập khẩu đang trên đà phát triển và có những tín hiệu tích cực, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,24 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 9,33 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,76 tỷ USD, tăng 2,1%. 

Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%.

Chỉ tính riêng 7 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đã đóng góp gần 125 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, riêng nhóm điện tử gồm: Máy tính, điện thoại và linh kiện hơn 60 tỷ USD, riêng Điện tử, máy tính và linh kiện đạt mức tăng trưởng cao nhất, gần 29% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, xuất khẩu điện thoại và linh kiện 6 tháng đầu năm đạt 27.2 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 22.9 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng năm trước. Dệt, may đạt 16.29 tỷ USD, tăng 3,1%. Giày dép đạt 10.8 tỷ USD, tăng 10,0%. Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7.4 tỷ USD, tăng 22,2%. Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 7.18 tỷ USD, tăng 1,9%.

Ngành điện tử Việt Nam trong 10 năm qua liên tiếp đứng đầu kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ)

Hơn 1 năm trở lại đây, điện tử, máy tính và linh kiện đã "qua mặt" điện thoại, linh kiện để vươn lên vị trí dẫn đầu. Cụ thể năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt khoảng 52,4 tỷ USD giảm 9,7% so với năm 2022. Còn kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2022,  là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm qua (chiếm 16,2%).

Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Ngành điện tử Việt Nam trong 10 năm qua liên tiếp đứng đầu kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đến nay, Việt Nam đang đứng thứ 2 về nước xuất khẩu điện thoại không dây (vượt Ấn Độ và chỉ sau Trung Quốc), đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính. Nếu duy trì được mức tăng trưởng như nửa đầu năm, ngành điện tử có thể mang về doanh số xuất khẩu kỳ vọng, vượt xa 110 tỷ USD thực hiện trong năm ngoái.

Theo Bộ Công Thương, sự phát triển của ngành điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu nhờ thu hút được sự đầu tư lớn từ các Tập đoàn đa quốc gia đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Với lợi thế đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm ngay tại Việt Nam của một số tập đoàn, các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước khá đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã… và đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Để ngành công nghiệp điện tử, linh kiện nói chung và điện thoại nói riêng tiếp tục phát triển, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy, xuất khẩu các mặt hàng điện tử, linh kiện, phụ tùng mới được mở rộng và giữ vững vị thế trên thị trường toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
7 nhóm hàng chủ lực góp gần 125 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO