Đời sống - Xã hội

Cả nước có 11,8 triệu ha đất đang bị sa mạc hóa

TH 23/12/2024 11:26

Sa mạc hóa là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà ngành nông lâm nghiệp đang phải đối mặt và giải quyết để phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững hiện nay.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa do Cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng tổ chức cho biết, tổng diện tích đất bị thoái hóa hiện nay vẫn chiếm 35,7% tổng diện tích tự nhiên cả nước.

sa-mac-hoa-dat-dai.jpg
Ảnh minh họa

Trong đó 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp và 42% diện tích bị thoái hóa là đất lâm nghiệp.

Tính đến năm 2019, tổng diện tích đất bị thoái hóa cả nước là 11,8 triệu ha. Trong đó có khoảng 1,2 triệu ha đất bị suy thoái nặng, 3,8 triệu ha đất suy thoái trung bình và 6,8 triệu ha đất suy thoái nhẹ. Vùng có diện tích đất suy thoái lớn nhất là trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, thoái hóa đất và sa mạc hóa là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà ngành nông lâm nghiệp đang phải đối mặt và giải quyết để phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững hiện nay. Hiện tượng này là một trong những loại hình thiên tai đang xảy ra với mức độ gây thiệt hại rất lớn cho môi trường, kinh tế, xã hội.

Các hoạt động bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng và chuyển đổi rừng sai mục đích, trồng và phục hồi rừng theo hướng bền vững đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống và khắc phục sa mạc hoá/thoái hoá đất vùng đồi núi, bán sơn địa, khu vực ven biển thông qua vai trò bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội, tác động trực tiếp tới nguồn nước và chất lượng nước ở vùng hạ du và khu vực lân cận, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào mục tiêu chống thoái hóa đất, sa mạc hóa.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đánh giá, dù chưa phải xếp vào quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng về suy thoái đất và khô hạn, tuy nhiên Việt Nam đã sớm nhận diện nguy cơ và ký kết gia nhập Công ước chống sa mạc hóa của Liên hiệp quốc (LHQ).

Trước đó, tham gia Công ước chống sa mạc hóacủa LHQ (Công ước UNCCD), thực hiện cam kết, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.

Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của chương trình là: “Chống sa mạc hóa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng, nguồn nước và đất đai, nâng cao từng bước thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết vững chắc nhiệm vụ định canh định cư".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả nước có 11,8 triệu ha đất đang bị sa mạc hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO