Cần thận trọng quyết định việc đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT

Hương Lan 26/06/2024 15:46

Việc đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT phân bón 0% hay 5%, hay không chịu thuế vẫn làm nóng nghị trường và được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận tại buổi họp Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mới đây.

quoc-hoi

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh quochoi.vn

Theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, mặt hàng phân bón được chuyển từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Đưa ý kiến về vấn đề này tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như  đánh giá tác động từ phía người nông dân trực vì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi người nông dân và nền nông nghiệp.

Còn theo đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang về việc đề xuất của Chính phủ chuyển các mặt hàng, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế suất sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

dai-bieu-tran-van-lam

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, hiện nay, các mặt hàng nói trên không phải đối tượng chịu thuế giá trị tăng nên các doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của các loại sản phẩm trên. Do đó, nếu tăng thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm trên là tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp, nếu áp dụng mức thuế 5% người chịu thuế này sẽ là người nông dân. Còn về phía doanh nghiệp, đại biểu cho rằng chính sách của nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp và sản phẩm cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với các nhà sản xuất và hàng ngoại nhập.

Từ đó, không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế giá trị tăng, nếu chuyển nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0% - Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Xuân An, đây là dự án Luật thuế liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng, do đó cần có một sắc thuế trung lập, khách quan để xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh. Đại biểu nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và các mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở. Chúng ta cần đánh giá nhiều chiều và phân tích thấu đáo.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị làm rõ giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không? Đại biểu cho rằng, điều này không đúng. Phân bón tăng là do chi phí đầu vào, do vật tư… Do đó, nếu tăng mức thuế mặt hàng này lên 5% thì cần phải đánh giá hết sức kỹ lưỡng. “Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ được đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt”, đại biểu phân tích.

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì cần nhiều phương án, chính sách khác nhau, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này. Đại biểu không đồng tình với ý kiến đề nghị khấu trừ hoặc đưa về mức thuế suất 0%. “Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. Đồng thời, Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%”.

dai-bieu-tran-quoc-tuan

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh quochoi.vn

Còn theo đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả hai góc độ.

Một là, nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Và hai là, góc độ thứ hai là tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ. Do đó, đây là luật khó và liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, việc sửa đổi quy định trong dự thảo cần đảm bảo sản xuất phát triển, thương mại phát triển và thống nhất theo đúng chiến lược thuế đã ban hành. Theo hướng này, ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT để bao quát được các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu và phù hợp với thông lệ quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thận trọng quyết định việc đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO