Sáng 15/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đã họp phiên thứ nhất để lên khung chương trình, các nhiệm vụ, quan điểm, mục tiêu, định hướng chính xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Đề án; kết cấu Đề án; các nội dung chính của Đề án. Trong đó các đại biểu tập trung nêu bật vị trí, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, khi đất nước bước vào thời kỳ vươn mình phát triển giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng.
Ban Chỉ đạo đánh giá các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; đánh giá tình hình phát triển kinh tế tư nhân; kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tư nhân và bài học kinh nghiệm; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, trong đó có khoảng 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiếp tục là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để tiếp tục hoàn thiện Đề án, trong đó các chính sách phải đáp ứng yêu cầu: Trúng, đúng, đủ mạnh, mang tính đột phá; tính hành động cao hơn; cụ thể, rõ ràng, tính khả thi cao hơn; đây cũng là tinh thần chung trong xây dựng các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật tới đây.
Về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng cho biết tại cuộc làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, tất cả các đại biểu đều thống nhất đánh giá, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, với những đóng góp thể hiện qua các số liệu cụ thể như chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP, hơn 56% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 82% tổng số lao động của nền kinh tế, khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Về quan điểm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhiều tư tưởng chỉ đạo mới cần cập nhật.
Phó Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, nhưng cần bảo đảm cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp; đồng thời lưu ý làm rõ hơn nội dung về phát triển các doanh nghiệp dẫn dắt, tiên phong trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Phó Thủ tướng lưu ý, các giải pháp phải táo bạo, mạnh mẽ, đột phá, nhưng cần làm rõ hơn luận cứ, căn cứ pháp lý, căn thực tiễn, căn cứ chính trị, kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các giải pháp này, làm rõ các giải pháp được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và khi ban hành có tính khả thi cao không, có đi vào được cuộc sống, mang lại hiệu quả hay không.
Lấy ví dụ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng với các doanh nghiệp trong triển khai các công trình, dự án lớn, trọng điểm quốc gia, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, làm sao để Nghị quyết của Bộ Chính trị khi ban hành sẽ giúp tạo sự yên tâm, tạo niềm tin, tạo hứng khởi, giúp khu vực kinh tế tư nhân hoạt động, phát triển lành mạnh, hiệu quả. Phó Thủ tướng so sánh, việc "tháo chốt", khơi thông các điểm nghẽn để khu vực kinh tế tư nhân bung ra cũng giống như gạch đá lâu nay đang cản trở dòng nước sẽ được nhấc ra để dòng nước chảy "ào ào".
Về các công việc tiếp theo, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, triển khai các công việc, nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương nhưng phải bảo đảm chất lượng tốt nhất; tinh thần là vừa chạy vừa xếp hàng, vừa tổ chức các hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến các chủ thể liên quan, vừa nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, vừa hoàn thiện Đề án để lấy ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo để hoàn thiện đề án, trình cấp có thẩm quyền bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.