Theo Nghị định số 100/2025/NĐ-CP vừa được ban hành, dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu phải bảo đảm nguyên tắc sau sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn không thấp hơn mức 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm.
Chính phủ vừa ban hành
Nghị định số 100/2025/NĐ-CP ngày 8/5/2025 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực liên quan đến quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng các dự án điện và cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh điện.
Trong đó, Điều 15 của Nghị định 56 được sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn cơ chế huy động các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước, bảo đảm phù hợp với chính sách phát triển điện lực của Nhà nước và nhu cầu thực tiễn trong thời gian tới. Tên của điều này cũng được sửa thành: “Cơ chế bảo đảm tiêu thụ nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước; nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn cho các dự án nhiệt điện khí.”
Theo quy định mới, các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước sẽ được huy động và vận hành tối đa theo khả năng cấp khí. Việc này cần đồng thời đáp ứng các yêu cầu ràng buộc về nhiên liệu, công suất, sản lượng điện khả dụng cũng như các giới hạn kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia.
Trường hợp nguồn cung khí trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu phát điện của nhà máy nhiệt điện khí, các bên liên quan—gồm bên bán điện và bên mua điện—sẽ thỏa thuận phương án sử dụng nhiên liệu thay thế và giá điện trong hợp đồng mua bán điện theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn sẽ do bên bán và bên mua điện thống nhất trong hợp đồng, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được quy định.
Cụ thể, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn không thấp hơn mức 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án nhiệt điện khí. Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn được áp dụng trong thời hạn trả nợ gốc và lãi vay nhưng không quá 10 năm kể từ ngày đưa dự án vào vận hành phát điện.
Sau thời gian áp dụng sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, sản lượng điện hợp đồng hoặc tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng cho các năm còn lại được bên bán điện và bên mua điện thống nhất trong quá trình đàm phán, thỏa thuận.
Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP để phù hợp với các nội dung sửa đổi tại khoản 3, khoản 4 Điều 15 nêu trên.
Cụ thể, Bên mua điện và Bên bán điện có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận thống nhất các nội dung cụ thể trong hợp đồng mua bán điện tuân thủ các quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện có trách nhiệm lập kế hoạch vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện cạnh tranh bảo đảm tuân thủ các quy định tại Điều này và quy định của pháp luật về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ và vận hành, điều độ hệ thống điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Nghị định 100/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 8/5/2025.