Với hơn 30.000 doanh nghiệp logistics, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt: xanh hóa để thích ứng và hội nhập, hoặc bị đào thải khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn môi trường.
Ngày 15/5 vừa qua, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và công nghệ mới trong phát triển logistics bền vững tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Thông điệp nổi bật tại hội thảo là: “xanh hóa” ngành logistics không còn là xu hướng tương lai, mà là chiến lược sống còn trong hiện tại.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng ICED, ngành logistics đóng vai trò xương sống trong nền kinh tế, đặc biệt là với hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để thích ứng với bối cảnh phát triển bền vững và các cam kết giảm phát thải tại COP26, ngành này cần nhanh chóng chuyển đổi, từ phương thức vận hành cho đến tư duy chiến lược.
“Logistics xanh cần được hiểu là một hệ sinh thái, nơi công nghệ, quy trình và con người được tích hợp nhằm tối ưu hóa hiệu quả, giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính từ khâu cung ứng nguyên liệu đến khâu phân phối cuối cùng,” ông Quân nói.
Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, IoT cùng với năng lượng tái tạo đang mở ra cơ hội để doanh nghiệp giám sát và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng.
GS. Joseph Sarkis – chuyên gia từ Học viện Bách khoa Worcester (Hoa Kỳ) – khẳng định: “Xanh hóa logistics không chỉ là cách doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng xã hội mà còn mang lại lợi thế thương mại rõ rệt: giảm chi phí vận hành, nâng cao uy tín thương hiệu và dễ dàng thâm nhập thị trường quốc tế.”
Thống kê từ Bộ Công Thương cho biết, ngành logistics Việt Nam tăng trưởng 14–16% mỗi năm, đóng góp 4–5% GDP, với tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở mức cao (60–70%). Việt Nam cũng đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng các thị trường logistics mới nổi năm 2022 của Agility.
Dù vậy, đa phần trong số 30.000 doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp nhiều rào cản trong quá trình xanh hóa: thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu nhân lực chất lượng cao.
Ông Đặng Hải Dũng – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) – nhận định: “Nếu không thay đổi kịp thời, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt là với các đối tác tại châu Âu – nơi đang siết chặt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc carbon.”
Một trong những thách thức lớn là chi phí đầu tư ban đầu cho phương tiện vận tải xanh, kho bãi thông minh, hệ thống quản lý năng lượng và công nghệ số. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn tín dụng xanh và ưu đãi thuế vẫn còn hạn chế.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh việc xây dựng hạ tầng logistics xanh phải gắn liền với hỗ trợ chính sách và cơ chế tài chính phù hợp. Đặc biệt, nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo, hoàn thiện khung pháp lý cho logistics bền vững, ban hành tiêu chuẩn xanh cho chuỗi cung ứng và thúc đẩy hợp tác công – tư.
Ngoài ra, bài toán nhân lực cũng được đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về logistics xanh, kết nối nhà trường – doanh nghiệp để đảm bảo lực lượng lao động sẵn sàng cho yêu cầu chuyển đổi.
Một số doanh nghiệp lớn đã bước đầu triển khai các mô hình logistics bền vững, từ đầu tư xe điện, sử dụng năng lượng mặt trời trong kho vận, đến ứng dụng hệ thống quản lý vận tải theo thời gian thực. Tuy nhiên, để xu hướng này lan tỏa, cần có cú hích chính sách và sự dẫn dắt từ những “đầu tàu” ngành logistics.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, “xanh hóa” là một khoản đầu tư dài hạn, nhưng lợi ích mang lại là thiết thực: giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, giữ chân khách hàng quốc tế, và giảm rủi ro pháp lý trước các hàng rào kỹ thuật môi trường ngày càng chặt chẽ.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp nên bắt đầu bằng những bước chuyển đổi có thể kiểm soát được, như: Tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển để giảm tiêu hao nhiên liệu; Tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong đóng gói; Số hóa hệ thống theo dõi đơn hàng, kho vận Tham gia vào các liên minh doanh nghiệp xanh để chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm.
Trong dài hạn, xanh hóa logistics cần được lồng ghép vào chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việc tích hợp công nghệ mới và mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hình ảnh thương hiệu và tạo giá trị lâu dài.