Sốt xuất huyết là mối đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Bộ Y tế đang đề xuất đưa tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng.
Tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, sốt xuất huyết có diễn biến ngày càng phức tạp. Nếu trước đây, giai đoạn 1980 – 2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, thì riêng giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch. Cụ thể, năm 2019 ghi nhận hơn 334.231 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết; năm 2022 ghi nhận 367.729 trường hợp, đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau Brazil.
Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 172.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 43 trường hợp không qua khỏi. Mặc dù số ca mắc giảm khoảng 54%, số tử vong giảm 72% (giảm 108 trường hợp) so với năm 2022, nhưng dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam từ năm 2023 đến nay diễn biến phức tạp và khác thường hơn so với mọi năm.
Từ đầu năm đến cuối tháng 9/2024, cả nước ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết, các trường hợp mắc sốt xuất huyết đã tăng vọt và số ca mắc đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2021 trên toàn cầu. Tính đến cuối tháng 8/2024, với hơn 12,3 triệu ca, gần gấp đôi so với 6,5 triệu ca được báo cáo trong cả năm 2023.
Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.
Do đó, vaccine phòng chống sốt xuất huyết - một vũ khí mới trong công tác phòng chống sốt xuất huyết nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do sốt xuất huyết, góp phần đạt được mục tiêu chung là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Việt Nam hiện đã có vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, thuộc danh mục vaccine được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308 ngày 14/5/2024 của Cục Quản lý Dược. Vaccine này đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam với giá 2,7 triệu đồng/mũi, tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.
Bộ Y tế cho rằng việc đưa vaccine phòng, chống sốt xuất huyết vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vaccine bảo đảm tiêm miễn phí cho dân.
Cùng đó, để đưa vào tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vaccine phòng, chống sốt xuất huyết.
Hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp sẽ đưa vào tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho dân.
Bên cạnh tiêm phòng cho người dân, để phòng chống sốt xuất huyết còn cần lồng ghép nhiều các giải pháp khác như giám sát dịch, phòng chống véc tơ chủ động (diệt muỗi, diệt lăng quăng), xử lý ổ dịch sớm và triệt để, truyền thông phòng chống dịch….