Quản trị

Doanh nghiệp cần có những “điểm tựa” vững chắc để phục hồi và phát triển

Đông Nghi 06/10/2024 06:50

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo “điểm tựa” vững chắc để phục hồi và phát triển, tại buổi gặp mặt sáng ngày 4/10 giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, doanh nghiệp, nhiều chủ doanh và hiệp hội đã đề xuất những giải pháp cụ thể.

thumbnail_viettel-construction-.jpg
Viettel Construction được vinh danh trong Top 500 Doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam 2024 (Value500). Ảnh minh họa

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: Sau chặng đường 18 năm đầu tư, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới, giá trị thương hiệu theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.

Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn là các dự án viễn thông của Tập đoàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Viettel vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, cũng như các xung đột chính trị tại các quốc gia đầu tư. Do đó, khi kinh doanh ra nước ngoài, Viettel rất cần những “điểm tựa” từ Chính phủ, đặc biệt ở những nước chúng ta không có sứ quán hay chưa ký hiệp định bảo hộ đầu tư.

Từ đó, đại diện Viettel đề xuất Chính phủ cần có chiến lược hoặc nghị quyết cụ thể để các doanh nghiệp tự tin vươn ra thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế qua các chuyến thăm của lãnh đạo Nhà nước, cũng như giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn tạo hệ sinh thái đầu tư.

Tin tưởng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), kiến nghị Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thân mong muốn Chính phủ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa – đối tượng được coi là "đàn sếu" trong nền kinh tế. Với khoảng 30.000 doanh nghiệp vừa, nếu được hỗ trợ đúng mực, họ sẽ là động lực kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển.

img0457-1728015642898731575227.jpg
Thủ tướng và các doanh nghiệp dự cuộc gặp mặt. Ảnh Nhật Bắc

Ngoài ra, ông Thân cũng đề xuất Chính phủ nên xem xét ban hành luật riêng cho các hộ kinh doanh, nhằm tạo điều kiện chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chính thức và có cơ chế hỗ trợ về thuế, vốn, lãi suất.

Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC, bà Huỳnh Bích Ngọc kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách kích cầu tiêu dùng nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa và tăng thu ngân sách. Ví dụ như phát hành voucher mua sắm như một hình thức giảm thuế thu nhập cá nhân, học hỏi từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Singapore. Việc này không chỉ giúp người dân tăng tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái logistic và dịch vụ đi kèm

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19 là một vấn đề nghiêm trọng.

Ông Bình đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực này, giao trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện với sự giám sát của các cơ quan chức năng. Nếu ngân sách đến được doanh nghiệp, việc đào tạo sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Doanh nghiệp làm ăn với tinh thần tuân thủ pháp luật cao nhất nhưng vẫn có thể mắc phải những sai sót không đáng có. Do đó, ông mong muốn Chính phủ có những chỉ đạo rõ ràng để giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển kinh tế.

Ghi nhận những đề xuất tâm huyết, trách nhiệm từ cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định vị trí quan trọng của họ trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ với tinh thần "nói ít, làm nhiều" và cam kết thực hiện các chính sách cụ thể, có kết quả đo lường rõ ràng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Cùng với đó, đề nghị doanh nghiệp thực hiện 5 tiên phong để vượt qua các thách thức và tận dụng cơ hội để cùng Nhà nước và nhân dân hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần có những “điểm tựa” vững chắc để phục hồi và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO