Làn sóng FDI vào Việt Nam là cơ hội với nền kinh tế nói chung và các ngân hàng nói riêng. Với sự am hiểu về thị trường, văn hóa, người dân bản địa, các ngân hàng nội địa có nhiều lợi thế, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất giúp doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô, phát triển tại địa bàn.
Ngân hàng Việt đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp FDI
Từ lâu, phần lớn các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có xu hướng sử dụng dịch vụ tài chính từ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Lý do nằm ở mối quan hệ bền vững với công ty mẹ, chi phí vốn ưu đãi hơn, và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa kinh doanh giữa các bên. Điều này tạo nên một lợi thế không nhỏ cho các ngân hàng nước ngoài, khiến các ngân hàng trong nước gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận phân khúc này.
Nhưng hiện nay đang thay đổi, với nhiều chuyển biến tích cực từ phía các ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây khi các ngân hàng nội địa đang ngày càng quan tâm hơn đến việc tìm kiếm các giải pháp để phục vụ cho phân khúc giàu tiềm năng này. Một khảo sát cho thấy, cùng với sự gia nhập mới của các doanh nghiệp FDI, có đến 70% doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động kinh doanh. Đây là cơ hội cho các ngân hàng Việt mở rộng cung cấp các dịch vụ, giải pháp tài chính.
Đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của các ngân hàng nội địa, vốn trước đây là sân chơi độc quyền của các ngân hàng quốc doanh lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh sức cầu tín dụng nội địa suy giảm từ năm 2023, các ngân hàng tư nhân đã chuyển hướng mạnh mẽ sang phân khúc FDI với nhiều cơ hội mở rộng quy mô. Không chỉ giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng, mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Chia sẻ quan điểm dòng vốn FDI mang đến cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam, ông Ngô Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp nhận định, FDI được xem là một điểm sáng, động lực quan trọng góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2024. Lũy kế đến hiện tại có đến hơn 49.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Với nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội ổn định, lao động có trình độ năng lực thì dự kiến vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Từ những con số ấn tượng này, có thể nhận định, các ngân hàng hàng Việt sẽ có nhiều cơ hội hơn để đồng hành cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng đối với các doanh nghiệp FDI.
Trước đây, doanh nghiệp FDI không phải là phân khúc ưa thích đối với các ngân hàng tư nhân. Mức biên lãi thuần (NIM) mà các ngân hàng có thể thu được từ các khoản vay của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với NIM từ 4-5% ở các phân khúc cho vay khác.
Bên cạnh đó, việc đòi hỏi về năng lực vốn lớn cùng với năng lực thực hiện các giao dịch tài chính trên quy mô khu vực và toàn cầu, cũng khiến các ngân hàng tư nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đáp ứng yêu cầu. Mức kỳ vọng dịch vụ từ khách hàng cao nhưng lợi nhuận mang lại ít khiến các ngân hàng tư nhân thường không mặn mà. Phần lớn các ngân hàng tư nhân như Techcombank, ACB, hay VPBank vẫn tập trung vào phân khúc NIM cao hơn, như cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa.
Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, các ngân hàng tư nhân đã dần thay đổi chiến lược thâm nhập mạnh vào phân khúc này. Các ngân hàng như VPBank, ACB và Techcombank bắt đầu tập trung nhiều hơn vào FDI để bù đắp sự suy giảm doanh thu. Đây là một bước đi phù hợp khi dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam, mang lại cơ hội mở rộng tín dụng. Định hướng chiến lược được phát biểu chi tiết trong các cuộc họp Đại hội cổ đông của các ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, MBBank, VPBank và gần đây nhất là sự tham gia của ACB.
Bước đi phù hợp
Ông Ngô Tấn Long khẳng định, hiện nay các ngân hàng Việt đã đầu tư nguồn lực, công nghệ cũng như các chính sách phù hợp cho phân khúc FDI nhằm đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ, với yêu cầu vay vốn thấp, đang ngày càng tăng và có thể trở thành mục tiêu của các ngân hàng tư nhân trong nước. Điều này tạo cơ hội cho các ngân hàng trong nước tham gia sâu hơn vào phân khúc tín dụng cho doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ, nơi mức độ cạnh tranh từ các ngân hàng quốc doanh không quá khốc liệt.
Với lợi thế am hiểu địa bàn, thị trường, văn hóa, con người Việt Nam và mạng lưới hoạt động rộng, các ngân hàng nội đang dần trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp FDI khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Việc đẩy mạnh cho các doanh nghiệp FDI vay vốn là một bước đi phù hợp, cần khai thác mạnh mẽ hơn trong tương lai, khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, mang lại cơ hội mở rộng tín dụng.
Thực tế cũng chứng minh rằng, doanh nghiệp FDI có thị trường đầu ra ổn định và khả năng phục hồi tốt hơn trong các giai đoạn kinh tế khó khăn. Chẳng hạn, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (Thái Lan), dù mới chính thức đi vào vận hành vào cuối tháng 9 vừa qua, nhưng đã có hơn 300 khách hàng trong nước và xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Doanh nghiệp FDI là một thị trường tiềm năng mà các ngân hàng Việt Nam cần khai thác mạnh mẽ hơn trong tương lai. So với các doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp FDI thường có thị trường đầu ra ổn định và khả năng phục hồi tốt hơn trong các giai đoạn kinh tế khó khăn. Việc các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng vào phân khúc này không chỉ giúp gia tăng lợi nhuận lâu dài mà còn mở rộng phạm vi hoạt động sang khu vực và quốc tế.
Các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, so với ngân hàng trong nước, các ngân hàng nước ngoài có nhiều lợi thế về vốn, nhưng lại không có mạng lưới phân phối rộng. Trong khi đó, các NH nội với mạng lưới rộng khắp, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng được chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI khi họ có nhu cầu về vốn cũng như các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng nội đẩy mạnh cho các doanh nghiệp FDI vay vốn không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, ngân hàng mà còn góp phần cùng chính quyền củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Dù vậy, bà Đỗ Thụy Như Thùy - Giám đốc toàn quốc khối Quản lý và tư vấn giải pháp thanh toán toàn cầu, Ngân hàng HSBC Việt Nam vẫn lưu ý, trong bối cảnh dòng vốn FDI “đổ” vào mạnh, các ngân hàng cần phải có những thích ứng để đón đầu được cơ hội phát triển.
Theo bà Thùy, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh các giải pháp liên quan đến thanh toán hoặc quản lý dòng tiền. Bởi các doanh nghiệp FDI đã quen hoạt động ở nước ngoài, họ đã quen với việc điều hành trên nền tảng kỹ thuật số, trong bối cảnh này các ngân hàng cần phải đặt ra câu hỏi nền tảng đã sẵn sàng chưa, ngoài ra cần phải đảm bảo về tính bảo mật cao để có thể đồng hành tốt nhất với nhà đầu tư ngoại.