Quản trị

Logistics xanh – "lá chắn" mới cho doanh nghiệp Việt trong thời kỳ chuyển đổi

Nguyên Bình 13/07/2025 16:58

Trước sức ép từ các tiêu chuẩn ESG, mục tiêu Net Zero, thuế biên giới carbon... các chuyên gia tại Diễn đàn “Logistics xanh – Sức bật trong biến động” ngày 11/7 khẳng định: logistics xanh không còn là xu hướng mà là điều kiện sống còn để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển bền vững.

pham-tan-cong.jpg
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn "Logistics xanh – Sức bật trong biến động”.

Thách thức lớn, nhưng cơ hội cũng rõ ràng

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nhấn mạnh, hàng loạt tiêu chuẩn môi trường mới trên toàn cầu đang trở thành hàng rào kỹ thuật buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi. “Logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu,” ông Công nói.

Theo khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững thuộc VCCI, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về xanh hóa toàn bộ quy trình – từ thiết kế, vận hành, thu mua, logistics cho đến xử lý chất thải.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Việt Nam hiện vẫn đối mặt với một số rào cản khi tiếp cận thị trường châu Âu như chính sách chưa nhất quán và hạ tầng logistics chưa đồng bộ. Tuy vậy, theo vị này, Việt Nam đang đứng trước một “cơ hội vàng” để đầu tư vào hệ thống logistics hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn.

Logistics và vận tải là những lĩnh vực phát thải carbon lớn, trong đó vận tải biển sử dụng khối lượng nhiên liệu khổng lồ. Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), các hãng vận tải biển cần chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thực tế, logistics xanh hiện là một trong những trụ cột của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050. Quyết định 882/QĐ-TTg của Thủ tướng xác định logistics là một trong 18 chủ đề trọng tâm, trong đó ưu tiên chuyển dịch năng lượng xanh trong giao thông vận tải.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định logistics xanh chính là “lá chắn kinh tế” giúp doanh nghiệp đối phó với biến động giá nhiên liệu và chi phí vận tải, đồng thời đáp ứng các quy định về thuế carbon ngày càng khắt khe từ thị trường EU.

Tuy nhiên, ông Hải cũng chỉ ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi do thiếu nguồn vốn, hạ tầng chưa đồng bộ và đội ngũ chuyên gia còn hạn chế.

Để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong logistics, các phương tiện vận tải cần sử dụng năng lượng sạch như điện tái tạo, hydrogen, LNG; đồng thời khuyến khích chuyển sang các phương thức thân thiện hơn như đường thủy và đường sắt. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tối ưu quy trình vận tải, giảm số chuyến chạy rỗng, xây dựng hệ thống kho, cảng thông minh để nâng cao hiệu quả vận hành.

anh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa

Cần khung chính sách và tài chính xanh để dẫn dắt

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Yap Kwong Weng – CEO của Vietnam SuperPort – cho rằng mô hình logistics tích hợp đa phương thức là giải pháp cốt lõi để nâng cao hiệu suất và giảm phát thải. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, ông nhấn mạnh sự cần thiết của một hành lang chính sách và tài chính bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi thực chất.

Vietnam SuperPort đang phát triển một mô hình tiên phong tại Việt Nam, tích hợp nhà ga hàng không, kho ngoại quan, kho thường và các giải pháp kết nối xuyên biên giới. Theo ông Yap, mô hình này dù còn mới mẻ trong khu vực, nhưng có tiềm năng tạo nên “lợi thế cơ cấu” cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ thống hiện được thiết kế để kết nối xuyên quốc gia, với tuyến vận tải từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng – mở ra cơ hội chiến lược cho Việt Nam trong mạng lưới logistics quốc tế.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nội địa trong quá trình chuyển đổi, Chủ tịch VCCI cho biết tổ chức này đã xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) nhằm giúp doanh nghiệp tự đánh giá năng lực và "sức khỏe" phát triển bền vững. Từ kết quả đó, doanh nghiệp có thể hoạch định kế hoạch cải thiện, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Logistics xanh – "lá chắn" mới cho doanh nghiệp Việt trong thời kỳ chuyển đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO