Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi được kỳ vọng mang tới những đột phá, hướng tới việc phân cấp mạnh mẽ và đơn giản hóa thủ tục.
Theo chương trình kỳ họp Quốc hội, ngày 29/10 Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi).
Dự thảo được đánh giá có nhiều thay đổi mang tính đột phá, với điểm nhấn quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy từ "quản lý" sang "kiến tạo phát triển", thể hiện qua việc trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tinh thần cốt lõi của dự thảo luật mới là tạo cơ chế "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Song song với đó, vai trò của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ sẽ tập trung vào kiến tạo, hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Điều này không chỉ giúp phân định rõ trách nhiệm của các bên mà còn góp phần xóa bỏ cơ chế "xin - cho" vốn tồn tại lâu nay.
Một điểm đáng chú ý khác là việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ.
Sự thay đổi này sẽ giúp rút ngắn quy trình xử lý từ 11 bước xuống còn 6 bước, đồng thời giảm thời gian thực hiện từ 6-7 tháng xuống còn khoảng 4 tháng. Nhờ đó, việc điều hành vốn sẽ linh hoạt hơn, hạn chế được tình trạng "vốn chờ dự án" đang diễn ra phổ biến.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đề xuất những thay đổi quan trọng về quy mô và thẩm quyền.
Cụ thể, quy mô dự án quan trọng quốc gia sẽ được nâng lên mức 30.000 tỷ đồng, trong khi quy mô các dự án nhóm A, B, C cũng sẽ tăng gấp đôi.
Đáng chú ý, người đứng đầu các bộ, ngành sẽ được trao quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có giá trị dưới 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc mở rộng nguồn lực cho công tác chuẩn bị đầu tư cũng là điểm mới trong dự thảo.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, ngoài nguồn vốn đầu tư phát triển, các đơn vị sẽ được phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án. Điều này sẽ tạo sự chủ động và sẵn sàng hơn trong quá trình triển khai các dự án.
Luật Đầu tư công sửa đổi đang được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Những cải cách mạnh mẽ này có thể sẽ tạo ra tình huống "dự án chờ vốn" thay vì "vốn chờ dự án" nhờ việc chuẩn bị và triển khai dự án sẽ được đẩy nhanh đáng kể.
Khi được thông qua và đi vào thực tiễn, những thay đổi này sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới.