Ban Quản lý Dự án đường sắt vừa báo cáo Bộ GTVT về tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ được xây dựng mới, với mục tiêu kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng và tạo cầu nối liên vận với Trung Quốc, góp phần triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng như kế hoạch hợp tác khu vực trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và giảm phát thải.
Theo báo cáo, Ban Quản lý dự án đặt mục tiêu hoàn thành việc lập, thẩm định nội bộ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 1/2025. Dự kiến, Báo cáo sẽ được trình Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước vào tháng 2-3/2025. Đề án chủ trương đầu tư sẽ được trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 3-4/2024 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2025.
Nếu được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án sẽ tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 5/2025, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2026. Các thủ tục thẩm định, phê duyệt sẽ hoàn tất vào tháng 9/2026, và các thủ tục vay vốn, ký kết hiệp định sẽ diễn ra vào tháng 11/2026. Dự kiến, công tác đấu thầu xây lắp và chuẩn bị cho khởi công dự án sẽ diễn ra vào tháng 7/2027.
Vào tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2024 để chuẩn bị đầu tư cho dự án này. Hiện tại, các tư vấn trong nước đã phối hợp với tư vấn Trung Quốc để hoàn thành Báo cáo đầu kỳ của nghiên cứu tiền khả thi, và dự kiến Báo cáo giữa kỳ sẽ được hoàn thành vào tháng 11/2024, phấn đấu hoàn tất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 12/2024.
Ban Quản lý Dự án đường sắt đã làm việc với đại diện 9 địa phương liên quan để lấy ý kiến về hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga. Các địa phương cơ bản đồng ý với các đề xuất của tư vấn về hướng tuyến và các chi tiết quy hoạch.
Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có điểm đầu tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, nối ray với hệ thống đường sắt Trung Quốc, và điểm cuối tại cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 417 km, trong đó chính tuyến dài 396,67 km, bao gồm 2 nhánh kết nối với cảng Nam Đồ Sơn và cảng Đình Vũ (dài 20,33 km). Tuyến đường đi qua 9 tỉnh/thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Dự án sẽ xây dựng tuyến đường sắt cấp I, khổ tiêu chuẩn 1435mm, điện khí hóa, phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 11,6 tỷ USD. Mức đầu tư chi tiết sẽ được xác định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án dự kiến được triển khai theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng đường đơn, giải phóng mặt bằng và các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư khoảng 8,57 tỷ USD; Giai đoạn 2 sẽ xây dựng đường đôi và hoàn thiện các công trình theo quy hoạch.
Về nguồn vốn, dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA/ưu đãi từ Chính phủ Trung Quốc, vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam và các nguồn vốn hợp pháp khác.