UBND TP. Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch triển khai tuyến đường sắt đô thị số 2 Trần Hưng Đạo - Sóc Sơn, trong đó có đoạn từ Khu đô thị Nam Thăng Long chạy đến sân bay Nội Bài.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hà Nội (MRB) cho biết, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 2 với lộ trình: Khu đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Bưởi - Nội Bài - Sóc Sơn.
Theo kế hoạch, dự án đang được chia làm nhiều đoạn dự án thành phần, trong đó có 2 đoạn được phải thi công hoàn thành sớm. Cụ thể gồm: Đoạn 2.1 - lộ trình Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Đoạn 2.4 lộ trình Nam Thăng Long - Nội Bài.
Dự án dự kiến khởi động trong giai đoạn 2024 - 2025 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2034; riêng đoạn 2.4 Nam Thăng Long - Nội Bài dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2030.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054, tuyến đường sắt đô thị số 2 có chiều dài khoảng 11,5 km với 2,6 km đoạn trên cao và 8,9 km đoạn ngầm; khu Depot rộng 17,5 ha đặt tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Tuyến đường bắt đầu từ Khu đô thị Nam Thăng Long, sau đó đi qua các tuyến đường như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Phan Đình Phùng, Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, và kết thúc tại nút giao phố Huế - Nguyễn Du; toàn tuyến có 10 nhà ga (gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm).
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 2 là một trong những dự án quan trọng và cấp thiết trong chiến lược phát triển hạ tầng của TP. Hà Nội. Tuyến đường này góp phần cải thiện giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mở ra tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy du lịch và tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội.
Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là sân bay có lưu lượng hành khách lớn thứ hai cả nước, đón gần 30 triệu lượt khách trong năm 2023. Tuy nhiên, các phương tiện kết nối từ sân bay đến trung tâm Hà Nội và khu vực Vùng Thủ đô vẫn chủ yếu dựa vào xe cá nhân, taxi, xe khách, và chỉ có 2 tuyến xe buýt. Vào các dịp lễ, Tết, tình trạng ùn tắc tại khu vực sân bay thường xuyên xảy ra, gây bất tiện cho cả người dân lẫn du khách quốc tế.
Vì vậy, việc xây dựng tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với sân bay Nội Bài không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng, thuận tiện và giảm tải áp lực giao thông, mà còn góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho hành khách.