Trong báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp...
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024".
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng” ngày 9/7,ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đối mặt với những thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dựng nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để đánh giá, phân tích, dự báo và kiến nghị các giải pháp điều hành phù hợp.
Theo đó, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024. Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tương đối tích cực trong sáu tháng đầu năm 2024. Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Năng suất lao động cũng đạt được một số kết quả tích cực. Lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Tỷ giá VNĐ/USD đã tăng tương đối nhanh trong 6 tháng đầu năm 2024.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm (theo giá hiện hành) ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 27,7% GDP, tăng 6,8%. Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%, còn nhập khẩu đạt 178,5 tỷ USD, tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư khoảng 11,63 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)
Từ những kết quả tích cực trên, báo cáo đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Trong Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam có thể gặp một số thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thứ nhất, kinh tế thế giới có thể phục hồi tích cực hơn. Đánh giá cập nhật của các tổ chức quốc tế (OECD, IMF,...) đều cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể cải thiện so với các dự báo trước đó. Thứ hai, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Thứ ba, các công nghệ mới (công nghệ số, AI,...) tiếp tục có những chuyển biến nhanh chưa từng có tiền lệ, có thể giúp chuyển đổi đáng kể mô hình, hiệu quả kinh tế nếu Việt Nam biết nắm bắt cơ hội. Thứ tư, tư duy và khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,...) có thể được hoàn thiện hơn, qua đó giúp doanh nghiệp yên tâm với kế hoạch chuyển đổi, khai thác các cơ hội mới.
Vì vậy, báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam phải lưu tâm, xử lý một số vấn đề, khó khăn trong các tháng tới đây khi tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ. Bên cạnh đó, rủi ro gia tăng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – kèm theo đó là khả năng lạm phát gia tăng ở Mỹ và FED có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao – cần phải được xem xét cẩn trọng.
Đồng thời, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh). Tiếp tục quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh để nâng khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp.