Thị trường

Giải pháp đột phá phát triển thị trường tài chính xanh

Hương Lan 01/11/2024 08:27

Tài chính xanh không chỉ là nhu cầu mà còn là cơ hội lớn cho Việt Nam hướng đến một nền kinh tế xanh, phát thải thấp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các giải pháp cần được áp dụng nhanh chóng, đồng bộ để mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

98-1730353534-13918c3c-e172-4485-84f7-3ab6dda99a9d.jpg
Hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá”. Ảnh Minh Thành

Tài chính xanh, hiểu đơn giản là việc hướng dòng vốn tài chính từ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm và đầu tư vào các hoạt động có lợi cho môi trường. Đây là lĩnh vực quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mang lại lợi ích cho cả môi trường, xã hội và nền kinh tế.

Tại Hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá” ngày 31/10 tại Hà Nội, TS Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Việt Nam cần lượng vốn lớn để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh. Báo cáo Ngân hàng Thế giới 2022 chỉ ra rằng, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, để theo đuổi lộ trình phát triển bền vững.

Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong phát triển tài chính xanh với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm trong lĩnh vực tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh từ năm 2017. Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ kinh tế. Với con số khiêm tốn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua, Việt Nam còn khoảng cách lớn so với nhu cầu vốn chuyển đổi xanh lên đến 20 tỷ USD mỗi năm.

Theo TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện nghiên Kinh tế Việt Nam: Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là một phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, TS Lê Xuân Sang cho rằng, thị trường tài chính xanh của Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như khung pháp lý chưa hoàn thiện, thông tin về tài chính xanh chưa đầy đủ và thiếu nhất quán dẫn đến khó khăn trong đầu tư và phát hành trái phiếu xanh.

tcx-1657183664179.jpeg
Tài chính xanh là tiền đề cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Ảnh REUTERS

Ở góc độ tín dụng nguồn vốn xanh, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng đề xuất, cần hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh. Chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh...

Theo TS Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phải sớm ban hành danh mục dự án xanh. Nghị định 08 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đã yêu cầu Bộ TN&MT phải chủ trì để có thể ban hành quyết định về danh mục phân loại xanh trước tháng 12/2022. Đến nay đã gần 2 năm, danh mục này vẫn chưa được ban hành.

"Đây là một trong những điểm nấu chốt nhất để có thể phát triển được thị trường tài chính xanh nói chung cũng như mục tiêu hướng đến phát triển bình vững và giảm phát phải khí nhà kính. Chúng ta cần danh mục này để bảo đảm việc thực hiện thống nhất từ tín dụng xanh cho đến phát triển tài chính xanh hay thậm chí là các cơ chế ưu đãi xanh", bà Bình nhấn mạnh.

Giải pháp thứ hai, theo bà Bình, là bổ sung cơ chế ưu đãi cụ thể cho tài chính xanh. Uỷ ban đề xuất sửa đổi ngay Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước theo hướng bổ sung tín dụng xanh vào danh mục ưu đãi lãi suất ngắn hạn.

Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý cho mua sắm công xanh, giảm thuế cho tổ chức phát hành trái phiếu xanh và miễn giảm chi phí phát hành. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về dự án xanh, tín dụng và nhà đầu tư xanh cũng được đề xuất nhằm phục vụ quản lý và cảnh báo rủi ro môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả của các chính sách phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp đột phá phát triển thị trường tài chính xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO