Kể từ đầu tháng 11/2024, giá trị của đồng Bitcoin (BTC) đã liên tiếp tăng mạnh, tạo sự hứng khởi cho toàn thị trường tiền mã hóa. Tuy nhiên, đây là loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Bitcoin liên tiếp lập đỉnh, người chơi hào hứng đầu tư
Diễn biến những ngày vừa qua cho thấy, Bitcoin đã lập đỉnh ngay trong Ngày bầu cử Mỹ khi truyền thông tuyên bố ông Donald Trump đã thắng cử. Những ngày sau, Bitcoin, tiền mã hóa giá trị nhất thế giới, liên tục thiết lập giá ATH (All Time High - cao nhất mọi thời đại).
Bitcoin từ vùng giá khoảng 70.000 USD đã vọt lên mức gần 90.000 USD và cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử của loại tiền điện tử này. Theo Cointelegraph, Bitcoin đang được giao dịch ở mức giá cao chưa từng thấy nhưng vẫn còn khả năng đạt kỷ lục 6 con số.
Dữ liệu từ Alternative, chuyên trang theo dõi biến động của thị trường tiền mã hóa, cho biết, trong ngày 11/11, "chỉ số tham lam" (Fear) của người chơi tiền số đã chạm mốc "cực độ" khi đạt 76/100 điểm.
Trong lĩnh vực tiền số, Fear & Greed (tham lam và sợ hãi) là chỉ số để đo tâm lý của cộng đồng. 0 được xem là mức "cực kỳ sợ hãi", trong khi 100 là "cực kỳ tham lam". Ngưỡng từ 70 trở lên được đánh dấu là "tham lam cực độ", thường xuất hiện khi giá Bitcoin và các tiền số khác tăng, dẫn đến tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ).
Theo truyền thống, mỗi khi chỉ số tham lam đạt mức "cực độ", thị trường có thể sắp có điều chỉnh mạnh. Các nhà phân tích nhận định phe mua dường như đang tận dụng thanh khoản mỏng để đẩy thị trường lên cao.
Đà tăng mạnh của Bitcoin đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong nước. Nhiều nhà đầu tư đã vội vàng lao vào đầu tư với hy vọng đồng tiền này sẽ tiếp tục tăng mạnh với sự ủng hộ của ông Trump.
Nhiều nhà đầu tư coi đây là cơ hội để kiếm lời lớn. Với sự thay đổi mạnh mẽ về giá, Bitcoin mang lại tiềm năng sinh lợi cao trong thời gian ngắn, điều mà ít loại tài sản khác có thể làm được.
Thực tế, dù chưa được pháp luật Việt Nam công nhận song các sàn giao dịch tiền điện tử như Binance, MEXC Global, OKX… vẫn hoạt động sôi động trong nhiều năm qua.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022, ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã lần đầu tiên ra thông cáo báo chí về tiền ảo.
Nội dung của thông cáo tập trung vào một số vấn đề cơ bản như việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ, hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Đồng thời, NHNN khẳng định việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Tiếp theo tại Thông cáo báo chí ngày 27/2/2014 gửi cơ quan báo chí, NHNN đã khẳng định Bitcoin, và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin, và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán, là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Về phía Bộ Tài chính, ngày 29/1/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan này nhằm khuyến cáo các nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào các tài sản ảo để tránh nguy cơ rủi ro, mất mát.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành Công văn số 4486 ngày 20/7/2018 đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán, không được thực hiện hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo
Hiện nay, Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về tiền ảo và nó cũng không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm.
Hiện, Bộ Tài chính đã giao các đơn vị thuộc bộ, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, đáp ứng tiến độ đề ra.
Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo dù có những rủi ro nhất định nhưng cũng có nhiều tiềm năng, cơ hội. Do đó, việc xây dựng khung pháp lý cần bảo đảm hài hòa giữa các mặt.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, trong thời đại kinh tế số, nếu chúng ta chậm trễ trong nghiên cứu chính sách, có thể sẽ bị chậm chân. "Việc chậm chân trong xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo có thể dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Các loại tài sản số được đánh giá rất tiềm năng, là xu thế, nếu chúng ta không kịp thời quản lý, cơ hội có thể trôi qua", ông Doanh nhấn mạnh.
Theo TS Lê Đăng Doanh, trước hết cần nghiên cứu một cách tổng thể để nhận diện bản chất pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo, từ đó có khái niệm về loại tài sản này. Ông Doanh chỉ rõ thực tế hiện nay, hoạt động đầu tư tiền ảo khá sôi động nhưng do thiếu khung pháp lý nên chưa thể quản lý thuế trong lĩnh vực này. Vì vậy, những yếu tố này cần được bộ, ngành lưu ý khi xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh đối với tiền ảo, tài sản ảo.
Luật sư Bùi Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận tiền ảo, tài sản ảo là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến công nghệ, tính bảo mật, sở hữu… Hơn nữa nhiều quốc gia cũng chưa thể hiện quan điểm rõ ràng đối với loại tài sản này nên để định hình một khung pháp lý cần rất thận trọng.
Dù vậy, luật sư Tuấn cũng đồng tình sự cần thiết phải có khung pháp lý để quản lý, bởi hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư tiền số đang diễn ra hằng ngày. Khi khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo được xây dựng sẽ là cơ sở để quản lý các giao dịch liên quan, bảo đảm các yếu tố về nghĩa vụ thuế, giải quyết các tranh chấp, hạn chế tình trạng lừa đảo. Việc này cũng giúp ngăn chặn rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố qua giao dịch tiền mã hóa.
Luật sư Bùi Anh Tuấn đề xuất, có thể xem xét xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho tài sản ảo, áp dụng vào những nhóm đối tượng cụ thể, thay vì trên diện rộng. Trong đó, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ảo là một trong những vấn đề quan trọng cần được xem xét.