Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, phiên họp diễn ra vào 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho biết, việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.
Cùng đó, theo đại biểu Trần Văn Thức, việc phân cấp tuyển dụng, sử dụng nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương cơ quan chuyên môn là phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên. Do đó, ngành GD-ĐT không thể chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết giữa giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.
Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát. Địa phương không thể tuyển dụng được giáo viên, không thể tổ chức dạy học một số môn học.
Từ đó, đại biểu tỉnh Thanh Hóa bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với dự thảo những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
"Đây là là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn ngày càng trầm trọng về thừa, thiếu giáo viên tại nhiều địa phương", đại biểu Trần Văn Thức nhấn mạnh.
Cũng đồng tình với ý kiến này, theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn việc giao quyền tự chủ trong công tác tuyển dụng cho ngành Giáo dục như trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ giúp ngành chủ động được việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiêu chí, ra đề thi, cách thức tổ chức thi, điều động nhà giáo sau khi được tuyển. Từ đó đáp ứng được nhanh chóng nhu cầu thiếu giáo viên cho các trường học và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực nhà giáo sau tuyển dụng.
Để giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác tuyển dụng nhà giáo nhiều năm nay thì việc đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục là phương án tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho hay, đề xuất này cũng không tránh khỏi sẽ có những băn khoăn, lo ngại về sự công bằng, minh bạch trong công tác tuyển dụng khi giao quyền cho tự chủ cho ngành với số lượng tuyển dụng rất lớn. Do vậy, rất cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ.