Nhân vật

Hành trình “vượt bão” của nữ doanh nhân Hoa hồi xứ Lạng

Trần Ngân 13/10/2024 06:34

Tại Lạng Sơn, vùng đất giàu tiềm năng và sản vật phong phú, câu chuyện thăng trầm cùng cánh hoa hồi của chị Phạm Thị Giang - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Lạng Sơn - đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy ước mơ khởi nghiệp cho nhiều thế hệ.

anh1-hoa-hoi.jpg
Doanh nhân Phạm Thị Giang làm việc với đối tác nước ngoài tại Hội chợ thương mai tại Dubai năm 2023.

Sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của cây hồi, chị Giang sớm nhận ra tiềm năng to lớn của loại nông sản này. Với hương thơm nồng nàn và công dụng đa dạng, hoa hồi Việt Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành ẩm thực, dược phẩm và công nghiệp mỹ phẩm.

Sản phẩm từ hoa hồi được yêu thích và săn đón tại nhiều thị trường sôi động như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Bangladesh, Mỹ và các nước châu Âu… Đặc biệt, Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chủ lực, nơi nhu cầu về quế, hồi luôn ấm nóng như ngọn lửa không bao giờ tắt.

Chông chênh cánh hồi

Nhận thấy cơ hội và tiềm năng của hoa hồi, chị Giang quyết tâm dấn thân vào con đường kinh doanh, mang theo niềm tin mãnh liệt về sản vật quê hương. Năm 2011, Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn chính thức ra đời.

Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Giang say nghề như chú ong rừng say mật, ngày đêm miệt mài tìm kiếm đơn hàng. Bằng sự thông minh và khéo léo vốn có, chị nhanh chóng kết nối với tệp khách hàng quốc tế, góp phần không nhỏ trong việc đưa sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn tiếp cận với thị trường. Những container đầu tiên liên tiếp thông quan thuận lợi khiến chị tràn đầy phấn khởi. Nhưng trong niềm vui đó, chị không ngờ có những "cạm bẫy" đang lặng lẽ chực chờ.

"Niềm vui ngắn chẳng tày gang", năm 2016, chị Giang phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt. Những bông hồi trước nay thường được trồng theo phương pháp truyền thống, cách thức chế biến thô sơ, giờ phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Việc thiếu sự bảo lãnh từ các tổ chức uy tín, không có chứng chỉ an toàn thực phẩm, dây chuyền sản xuất chưa đạt chuẩn khiến sản phẩm hoa hồi bị “dìm giá”, thậm chí nhiều lô hàng bị trả lại do hình thức hoa nhỏ, vụn gãy, hư hại trong quá trình vận chuyển…

anh3-hoa-hoi.jpg
Hình ảnh hoa hồi tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn.

Đau đớn hơn, trong bối cảnh thị trường biến động, giá hoa hồi tại địa phương bất ngờ tăng vọt. Trước đó, chị Giang đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu với mức giá cố định, chỉ bằng một nửa so với thị trường bấy giờ. Doanh nghiệp của chị lao đao, đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn, thậm chí phải đối mặt với việc bị xử lý tại Tòa án quốc tế nếu không thể giao đủ hàng như cam kết.

Chính sự mơ hồ về tiêu chuẩn xuất khẩu, sự thiếu hụt kiến thức về quản trị và kinh nghiệm thương trường khiến chị Giang liên tiếp phải hứng chịu những “cú vả” rát mặt vào doanh nghiệp non trẻ của mình. Giấc mơ khởi nghiệp tưởng chừng như có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.

Kỳ tích tái sinh

Đến giờ, câu chuyện về chị Phạm Thị Giang và số phận Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn vẫn được nhiều người nhắc đến như một minh chứng sống động cho nghị lực và sự kiên cường. Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, chị Giang là một tấm gương sáng, là bài học quý giá về sự vươn lên không từ bỏ. Còn với giới doanh nhân, hành trình của chị được ví như huyền thoại “phượng hoàng lửa” sống dậy từ đống tro tàn, khơi dậy sâu sắc lòng khâm phục bản lĩnh sắt đá của đóa hoa hồi xứ Lạng.

Thế nhưng, trong mắt những người nông dân trồng hồi quanh vùng và “người bạn” chính quyền, hành trình của chị Giang không phải là huyền thoại. Nó phản ánh thực tế sức mạnh của ý chí cá nhân, của niềm tin và sự đồng lòng. Người dân xứ Lạng tin rằng hoa hồi sẽ là chìa khóa giúp họ làm giàu, tin vào sự đồng hành của Nhà nước, của chính quyền địa phương với những quyết sách vừa thấu tình, vừa đạt lý. Và trên hết, họ tin vào sức mạnh tiềm ẩn của con người khi rơi vào nghịch cảnh.

anh2-hoa-hoi.jpg
Sản phẩm được làm từ hoa hồi của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn.

Thời điểm ấy, “cơn bão” khủng hoảng kinh tế đã quét sạch toàn bộ tài sản và uy tín của chị Giang, thậm chí còn muốn “bóp nghẹt” ý chí của một nữ doanh nhân “tay ngang” như chị. Nhưng quyết không đầu hàng, sau những ngày dài vật lộn trong khủng hoảng tưởng chừng không lối thoát, chị đã thực hiện một bước đi can đảm: Viết “tâm thư kêu cứu” gửi UBND tỉnh Lạng Sơn!

Bức thư thẳng thắn thừa nhận thất bại, thể hiện sự quyết tâm sắt đá của chị Giang trong công việc và tình yêu với nông sản quê hương bất ngờ nhận được sự đáp hồi tích cực. UBND tỉnh Lạng Sơn lập tức can thiệp, định hướng và giúp đỡ chị Giang bằng nhiều chính sách. Tỉnh đã kết nối hàng loạt cuộc họp với các ngân hàng, giúp chị khoanh nợ, giãn nợ và đưa ra hướng đi mới, giúp chị lấy lại niềm tin vào tương lai.

Bước ngoặt thật sự giúp doanh nghiệp của chị Giang vực dậy thần kỳ là khi tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tin tưởng và bàn giao cho công ty 40 ha rừng hồi mẫu để quản lý. Chị được khuyến khích hợp tác với bà con địa phương theo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, cùng nhau trồng hồi theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm từ nguồn để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Như được tái sinh lần thứ hai, doanh nghiệp của chị đánh dấu cuộc “thay máu” toàn diện với tư duy hoàn toàn mới mẻ. Không chỉ thay đổi quy trình sản xuất, chị Giang còn đặt trọng tâm vào chiến lược phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ với người dân trồng hồi địa phương. Những kinh nghiệm xương máu mà chị tích lũy qua bao thử thách được chị chia sẻ chi tiết với bà con, cùng nhau quyết tâm theo đuổi ngành xuất khẩu hoa hồi, tạo dựng nền tảng phát triển bền vững từ gốc rễ.

Chị Giang đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu đầu tiên, áp dụng những quy trình công nghệ hiện đại và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Sự thay đổi này không chỉ giúp doanh nghiệp của chị phục hồi, mà còn xây dựng một nền tảng vững chắc để chinh phục những thị trường quốc tế khó tính nhất.

Với khoảng 40.000 ha rừng hồi, Lạng Sơn chiếm tới 70% diện tích trồng hồi toàn quốc, sản sinh ra những bông hoa hồi cánh to, thơm ngát. Mỗi năm, cây hồi chỉ được thu hoạch hai vụ, nhưng giá trị kinh tế mà nó mang lại vô cùng lớn, trở thành niềm tự hào của người dân xứ Lạng. Nhìn những cánh rừng hồi bạt ngàn, chị Giang tin tưởng sâu sắc Việt Nam sẽ trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường gia vị và hương liệu thế giới. Chị mơ về một ngày, hương thơm của hoa hồi sẽ vượt qua biên giới, lan tỏa khắp năm châu và mang về giá trị “bạc tỷ” từ xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình “vượt bão” của nữ doanh nhân Hoa hồi xứ Lạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO