Tại phiên họp UBTVQH chiều 7/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã giải trình về việc thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của ngành y tế hiện nay.
Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện tại phiên họp UBTVQH, hiện nhiều địa phương, tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9/2024 vẫn xảy ra tình trạng này.
Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Y tế xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin trong thời gian qua, đánh giá tình hình dịch sởi, bạch hầu và ho gà tại một số tỉnh, thành phố và mối liên quan đối với tình trạng thiếu vắc-xin ở các địa phương; dự báo về diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, việc thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra trên toàn thế giới, rất nhiều nước chứ không chỉ có ở Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó, do đại dịch Covid-19 dẫn đến tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn và từ năm 2020 - 2023 rất nhiều trẻ em không được tiêm vắc-xin theo chương trình tiêm chủng thường xuyên ở hầu hết các quốc gia, trong đó, có Việt Nam.
Trên thế giới, WHO đã có cảnh báo các bệnh sởi, bạch hầu, ho gà có nguy cơ bùng phát trở lại vì rất nhiều lý do như biến đổi của các chủng vi khuẩn, vi-rút, biến đổi khí hậu gây nên các dịch bệnh, thiên tai liên tục... chứ không phải do việc thiếu vắc-xin, bà Hương cho hay.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, "ngay khi có nguy cơ dịch bệnh được cảnh báo, Bộ y tế đã xây dựng kế hoạch ngoài tiêm chủng thường xuyên còn tiêm chiến dịch. Như dịch sởi khi WHO có cảnh báo, chúng tôi đã phối hợp để xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm chiến dịch".
Liên quan đến ý kiến cho rằng năm 2024, Bộ Y tế chậm ban hành kế hoạch về nhu cầu vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, nhu cầu vắc-xin là Bộ tổng hợp từ các địa phương chứ không phải do Bộ tính toán.
Các địa phương phải tự rà soát đối tượng tiêm trong năm, các đối tượng chưa được tiêm từ năm trước, đối tượng cần phải tiêm bù, tiêm vét và đề xuất lên Bộ Y tế.
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về số lượng kinh phí mua vắc-xin năm 2024 thì Chính phủ đã ban hành nghị quyết vào tháng 9 để phân bổ.
Trong quá trình chưa được phân bổ, Bộ đã chuẩn bị tất cả các thủ tục và đối với một số vắc-xin đã mua đủ cho hết năm.
Vẫn theo bà Hương, theo kinh nghiệm của các nước, khi mua thuốc, vắc-xin thường mua cho 2-3 năm chứ không bao giờ mua cho 1 năm, bởi khi quy trình mua vắc-xin không đơn giản.
Về việc thiếu thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bà Liên Hương cho hay có nhiều nguyên nhân, trong đó, do các đơn vị đã mua hết số lượng thuốc trúng thầu, một số trường hợp có tâm lý quen sử dụng thuốc có tên thương mại theo đúng kết quả trúng thầu của năm trước, không muốn sử dụng thuốc có tên thương mại mới theo kết quả trúng thầu năm sau mặc dù có cùng hoạt chất, gây nên thiếu thuốc ảo. Việc này dẫn đến nhân viên y tế phải giải trình cho người bệnh khi kê đơn.
Bên cạnh đó, là các nguyên nhân về đấu thầu và do mô hình bệnh tật thay đổi, phát triển kỹ thuật mới nên dự trù chưa sát với thực tế, xuất hiện một số bệnh hiếm gặp nên không kịp mua sắm... Một số cơ sở thiếu chủ động trong lập kế hoạch mua sắm, tâm lý e dè trong đấu thầu, mua sắm. Thời gian qua Bộ đã rất khẩn trương, tập trung giải quyết, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, thiết bị, vật tư. Trong đó, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản tháo gỡ...
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nếu không có giải pháp cụ thể, hữu hiệu thì tình trạng trên sẽ tiếp tục. Vì vậy đề nghị Bộ Y tế, Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực y tế quan tâm, bàn thảo, có giải pháp tháo gỡ.