Sự kiện bình luận

Nghị quyết 68: Cú hích chiến lược cho khu vực kinh tế tư nhân

Thùy Liên 12/05/2025 09:07

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ đặt ra tầm nhìn phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân mà còn thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý, xóa bỏ định kiến và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng đây là “cú hích lịch sử” tạo chuyển biến thực chất về chất lượng thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.

go-noi-lo-hinh-su-hoa-doanh-nghiep-tu-nhan-yen-tam-rot-von-dau-tu1746699550.jpeg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Gỡ nút thắt pháp lý, tạo niềm tin cho dòng vốn tư nhân và FDI

Nghị quyết 68 đã yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp (DN), doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, một trong những nội dung mang tính bước ngoặt của Nghị quyết 68 là yêu cầu “không hình sự hóa các hành vi vi phạm kinh tế”. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân – dù đóng góp 50% GDP và hơn 80% việc làm – vẫn đang chịu nhiều áp lực và rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh.

“Không ít doanh nghiệp luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ có thể bị xử lý hình sự chỉ vì những vi phạm không cố ý, phát sinh từ sự chồng chéo, thiếu rõ ràng của các văn bản pháp luật,” ông Huân nhấn mạnh. Ông cho rằng, việc đưa nguyên tắc “ưu tiên biện pháp dân sự, hành chính” trước khi xem xét xử lý hình sự là cách tiếp cận nhân văn, khích lệ tinh thần cải thiện sai sót, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp.

“Chúng ta đã từng nghe nhiều phát biểu về việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự. Nhưng khi điều này được đưa vào Nghị quyết của Đảng thì sẽ có sức nặng và sự ràng buộc trong toàn hệ thống. Doanh nghiệp thực sự cảm thấy được bảo vệ,” ông nói.

Một điểm khác khiến cộng đồng doanh nghiệp vui mừng là Nghị quyết 68 khẳng định nguyên tắc “không áp dụng hồi tố pháp luật theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp”. Ông Huân chỉ ra rằng, nhiều dự án năng lượng tái tạo – bao gồm cả các dự án FDI – từng bị đình trệ vì nguy cơ hồi tố chính sách, khiến nhà đầu tư đứng trước rủi ro phá sản.

“Chỉ riêng trong ngành năng lượng, hơn 170 dự án từng phải ‘kêu cứu’. Việc chấm dứt áp dụng hồi tố trong xử lý là thông điệp rõ ràng: Nhà nước đồng hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp,” ông nhận định.

Ông Huân cũng cho biết, qua tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn còn e dè khi chọn Việt Nam vì hệ thống pháp lý chưa đủ minh bạch, dễ hiểu so với Thái Lan hay Indonesia. “Nếu chúng ta không cải thiện thể chế, cơ hội sẽ vào tay quốc gia khác. Nghị quyết 68 chính là hành lang pháp lý để Việt Nam nâng sức cạnh tranh,” ông phân tích.

Thay đổi định kiến, nâng vị thế doanh nhân

Bên cạnh đó, ông Huân cũng thẳng thắn nhìn nhận quá trình thực thi sẽ cần thời gian và quyết tâm chính trị mạnh mẽ. “Để triển khai hiệu quả, phải rà soát và sửa đổi rất nhiều luật, nghị định, thông tư. Đây là quá trình phức tạp, cần ít nhất vài ba năm để đồng bộ,” ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ niềm tin vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ rà soát, phân tích hệ thống pháp luật. “Nếu chúng ta tận dụng được công nghệ và có chỉ đạo quyết liệt, tiến độ này hoàn toàn khả thi,” ông chia sẻ.

Đặc biệt, theo ông Huân, Nghị quyết 68 sẽ không thể thành công nếu không triển khai đồng bộ với ba nghị quyết trọng điểm khác: Nghị quyết 57 về khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; và Nghị quyết 66 về hoàn thiện pháp luật. Ông gọi đây là “bộ tứ chiến lược” cần được vận hành song hành để tạo ra sự chuyển biến thể chế thực chất, đồng bộ.

Một điểm ông Nguyễn Quang Huân đánh giá rất cao trong Nghị quyết là tinh thần xóa bỏ định kiến với doanh nghiệp tư nhân. “Ở đâu đó trong xã hội, doanh nhân vẫn bị coi là ‘con buôn’. Điều này làm tổn thương tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo,” ông chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Nghị quyết 68 đã nêu rõ quan điểm không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận nguồn lực, đồng thời yêu cầu thay đổi tư duy xã hội về doanh nghiệp tư nhân. Khi doanh nhân được tôn trọng, vai trò được nhìn nhận đúng, họ sẽ có động lực đóng góp nhiều hơn, có trách nhiệm xã hội cao hơn.
Nghị quyết 68 không chỉ mở ra cánh cửa cho khu vực kinh tế tư nhân, mà còn là một bước tiến trong tư duy điều hành kinh tế thị trường hiện đại. “Đây là lời cam kết mạnh mẽ từ Đảng, từ Nhà nước rằng doanh nhân không đơn độc trên hành trình kiến tạo giá trị cho xã hội,” ông nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết 68: Cú hích chiến lược cho khu vực kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO