Sự kiện bình luận

“Nhà thầu khoán” Trần Văn Lai và chiến công rung chuyển “Phủ Đầu Rồng”

Lê Hoàng 13/10/2024 18:46

Dưới vỏ bọc doanh nhân “nhà thầu khoán”, những chiến công thầm lặng của Anh hùng Trần Văn Lai và đồng đội góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, để giang sơn thu về một mối...

Căn hầm “tàng hình” giữa Đô thành Sài Gòn

Khi đến thăm gia đình ông Trần Văn Lai tại hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM, cũng là căn hầm chứa vũ khí bí mật, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: "Đến thăm gia đình cố Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai - Một trong những cơ sở tiêu biểu nhất nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, hầm chứa vũ khí, khí tài phục vụ đắc lực cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào Dinh Độc Lập của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn; Được chứng kiến những hiện vật tại Di tích, tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm kích trước tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm vì nước quên thân của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

co-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong.jpg
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm gia đình anh hùng Nguyễn Văn Lai.

Tinh thần chiến đấu và sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn bất diệt…”.

Để xây dựng được căn hầm bí mật đó là quá trình chiến đấu vô cùng gian nan, đầy mưu trí của anh hùng Trần Văn Lai (sinh năm 1920, biệt danh Mai Hồng Quế, Năm Lai, Năm U.Som…), cán bộ cấp Tiểu đoàn, C trưởng biệt động, thuộc Đơn vị 159 biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ông được Bộ Chỉ huy Quân khu giao nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch bằng một kịch bản “vô tiền khoáng hậu”…

Đầu năm 1955, Ty Cảnh sát Hậu Nghĩa (tỉnh Long An) gọi điện lên Sài Gòn để xác nhận nhân thân một thanh niên trạc 30 tuổi xin xuất cảnh sang Campuchia chơi vì… "giận vợ". Sau đó, người đàn ông được "cô vợ" xinh đẹp tên Phạm Thị Chinh (bí danh Phạm Thị Phan Chính, thân phận em gái Trưởng ty Cảnh sát Nha Trang, gọi chủ tiệm vàng nổi tiếng Phú Xuân - Vĩnh Xuân là cậu ruột) xuống tận nơi xin lỗi, đón về Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên hai chiến sĩ biệt động Phạm Thị Chinh - Năm Lai gặp nhau trên danh nghĩa vợ chồng.

Bằng sự khéo léo, mưu trí của bản thân cùng sự hỗ trợ tích cực của tổ chức và hậu thuẫn của gia đình "vợ" giàu có, ông Lai dần tạo được vỏ bọc vững chắc là "nhà thầu khoán" và trở nên nổi tiếng trong giới tư sản Sài Gòn với cái tên Mai Hồng Quế. Là chủ thầu khoán chuyên trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập, ông Lai được cấp giấy tự do ra vào “Phủ Đầu Rồng”.

Thời gian này, ông Lai và bà Chinh bí mật xây dựng nhiều cơ sở cách mạng nội thành. Cùng chiến đấu trong lòng địch, hai người biến tình giả thành vợ chồng thật. Năm 1964, bà Chinh bị địch bắt, song không khai thác được gì nên đành thả bà ra. Những trận đòn tra tấn dã man khiến bà Chinh không qua khỏi, dù được chồng hết lòng chạy chữa.

Bà Phạm Thị Chinh hi sinh, nhưng ai cũng nghĩ bà còn sống. Theo sắp đặt của tổ chức, Đặng Thị Thiệp (tức Đặng Thị Tuyết Mai) trở thành cô giúp việc “qua mặt” bà chủ đang đi xa, quyến rũ ông Lai, nhằm mục đích đưa bà vào tham gia quản lý hầm, nuôi cán bộ và giấu vũ khí giữa nội thành. Tháng 5/1966, tổ chức chấp thuận cho ông Lai - bà Thiệp "xây dựng vợ chồng trong hoàn cảnh sinh hoạt đơn tuyến ở đô thị, cùng nhau bảo vệ cơ sở cách mạng".

Đầu năm 1967, dưới sự chỉ huy của đơn vị Biệt động 159, ông Lai lấy cớ sửa căn nhà mới mua tại số 287/68-70-72 Trần Quý Cáp (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) để đào hầm chứa vũ khí, trú ém quân, chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Để có căn hầm tuyệt đối bí mật nhưng thoáng khí, chống ngập nước, an toàn cho các loại khí tài, ông Lai phải tính toán rất chi li. Hàng đêm, ông tỉ mẩn đào từng cục đất đưa lên xe, chở đi thật xa đổ để tránh bị phát hiện.

gia-dinh-cu-lai(4).jpg
Gia đình anh hùng Trần Văn Lai sum họp khi đất nước thống nhất.

Thời gian này, bà Thiệp chuyển về quận Phú Nhuận, mang theo người con đầu lòng mới ra đời chưa biết mặt cha. Khi ông Lai đào hầm xong, bà Thiệp trở về tiếp tục cùng chồng cất vũ khí, nuôi giấu cán bộ.

Cuối năm 1967, hơn 02 tấn vũ khí từ vùng ven được tập kết đến căn hầm bí mật, phục vụ các đơn vị biệt động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Các mục tiêu Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân đã bị biệt động Sài Gòn giáng những đòn chí mạng, khiến địch “thất điên bát đảo”.

Sau chiến dịch Mậu Thân, địch truy nã ông chủ thầu khoán Mai Hồng Quế gắt gao và treo thưởng hai triệu đồng cho cái đầu của nhà tư sản. Điều kỳ diệu là tuy gia sản bị tịch thu nhưng căn hầm vũ khí ông Lai tạo ra vẫn “tàng hình”, không bị phát hiện.

Bảo tàng Biệt động - Nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc

Non sông thu về một mối, ông Trần Văn Lai về công tác tại đơn vị Tiền phương B.12 Bộ Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Gia Định, được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, tiếp nhận nhà các sĩ quan và lính ngụy bỏ chạy và Trưởng Ban quản lý Thương xá Tam Đa, một trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn thời đó.

Năm 1977, ông Trần Văn Lai về công tác tại Phòng Tổng kết chiến tranh, Bộ Tư lệnh thành phố. Năm 1981, ông nghỉ hưu theo chế độ. Ông là thương binh hạng ¼ mất 81% sức khỏe.

Năm 2002, ông Lai qua đời. Năm 2015, ông được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân để vinh danh tinh thần bất khuất, quả cảm, hi sinh xương máu, cống hiến nhiều tài sản, vật chất cho cách mạng.

Hai người vợ của ông được Tổ quốc ghi công. Bà Chinh được công nhận Liệt sĩ năm 1984; bà Thiệp được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3.

Tận mắt nhìn những hiện vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, chúng tôi trào dâng niềm xúc động và tự hào về những chiến công hào hùng của cha ông. Gia đình ông Trần Vũ Bình (con trai ông Trần Văn Lai, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam - Tòa án nhân dân tối cao) đã sưu tầm, lưu giữ hàng nghìn tư liệu, hiện vật liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn.

luu-niem.jpg
Lưu bút của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm bảo tàng Biệt động Sài Gòn

Ông Bình xúc động: “Gia đình tôi đã tìm lại được nhiều chiếc ôtô (trong đó có hai chiếc xe ôtô hiệu Citroen biển số NCE-345 và Hino Pickup biển số EC-6045) của cha tôi được Đội 5 Biệt động Sài Gòn sử dụng chở quân và vũ khí tấn công Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Hiện 02 ô tô đang được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - TP.HCM và Bảo tàng Binh chủng Đặc công - Hà Nội. Nhiều ô tô đưa đón cán bộ, lãnh đạo quân khu ra vào thị sát Sài Gòn, vận chuyển vũ khí, tài liệu, chất nổ phục vụ cuộc tổng tiến công cũng được tìm thấy, lưu giữ”.

Căn hầm anh hùng Trần Văn Lai tạo ra giữa lòng địch đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, vinh dự đón tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và sự hi sinh của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận bằng sự ngưỡng mộ và cảm kích, qua những dòng lưu niệm đầy xúc động: "Tôi hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã gìn giữ, lưu giữ những kỷ vật trưng bày vô cùng quý giá này. Mong rằng chính quyền thành phố tiếp tục đầu tư, tôn tạo, xây dựng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia này không chỉ là nơi mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, giàu tính nhân văn sâu sắc, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau".

Những chiến công của Anh hùng Trần Văn Lai cũng như chuyện tình của ông với hai nữ chiến sĩ hoạt động trong lòng địch được các nhà làm phim lấy cảm hứng xây dựng thành các nhân vật Hoàng Sơn (ông chủ Hãng sơn Đông Á) - Ngọc Mai - Huyền Trang trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhà thầu khoán” Trần Văn Lai và chiến công rung chuyển “Phủ Đầu Rồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO