Nhập siêu khởi sắc trở lại sau thời gian dài tăng trưởng ảm đạm

Hoài An 04/06/2024 13:36

Trong các tháng đầu năm 2024, tình hình nhập siêu vô cùng tích cực, đây là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới.

Việc nhập siêu trong thời điểm này là dấu hiệu tốt, chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. (Ảnh minh hoạ)

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD).

Theo một số chuyên gia, việc nhập siêu trong thời điểm này là dấu hiệu tốt, chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê đã chứng minh, về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139,89 tỷ USD, chiếm 94%.

Sau 23 tháng xuất siêu liên tục, số liệu nhập khẩu bật tăng rõ nét bắt đầu từ đầu tháng 4, sau một chuỗi tăng trưởng ảm đạm. Các mặt hàng nhập khẩu tập trung vào các nguyên liệu then chốt cho sản xuất, ví dụ: Linh kiện điện tử, máy tính, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu dệt may, sắt thép. Trong đó, nhập khẩu linh kiện điện tử máy tính, máy móc thiết bị tăng từ 20 - 50% trong riêng tháng 5/2024, dự kiến sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy từ 20 - 30% xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024.

Nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may tăng trưởng mạnh. (Ảnh minh hoạ)

Tăng trưởng mạnh của nguyên vật liệu dệt may (tăng 33% trong tháng 5/2024 và hơn 20% trong 5 tháng đầu năm) báo hiệu đơn hàng dệt may sẽ tăng tốt trong nửa cuối năm 2024. Nhập khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép cũng tăng mạnh trong tháng 4 và tháng 5/2024 (lần lượt tăng 16% và 47%), trong đó hơn 60% là đến từ Trung Quốc. Đây có thể coi là động thái tích trữ hàng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên, đồng thời đối phó với rủi ro về chính sách thuế.

Về sản xuất, trong tháng 5, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 23,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,4%; sản xuất trang phục tăng 9,4%.

“Nhập siêu quay trở lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể kỳ vọng, nhập siêu do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Việt Nam đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA. Khi nhập siêu có dấu hiệu quay trở lại, chúng ta cần chú trọng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập siêu khởi sắc trở lại sau thời gian dài tăng trưởng ảm đạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO