Hiện có nhiều luồng quan điểm khác nhau liên quan tới câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế.
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, năm nay, đã có trên 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, nhiều hơn rất nhiều so với năm ngoái (chỉ có hơn 2.400 trường hợp), tức là gấp gần 3 lần.
Thời gian vừa rồi, hàng loạt giám đốc, đại diện doanh nghiệp nợ thuế từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng nhận "trát" của cơ quan chức năng liên quan đến việc cấm xuất cảnh.
Hồi tháng 7, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, bị tạm hoãn xuất cảnh vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Cục Thuế Cần Thơ.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung Nam Group, cũng bị hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế.
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số các biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn… Cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, có thể bị thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan ra quyết định hoãn xuất cảnh, theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020.
Có ý kiến cho rằng, việc này xét về răn đe thì hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, xét về lý và xét về mặt chủ quan thì lại không tốt, bởi vì trước khi cơ quan thuế gửi yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh thì nên có quy định là cơ quan thuế đã gửi thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp tối đa 3 lần mà doanh nghiệp không phản hồi thì cơ quan thuế mới được quyền gửi yêu cầu ra cơ quan xuất cảnh.
Xét nhiều khía cạnh khác nhau thì có cơ quan thuế làm đúng, nhưng cũng có cơ quan là làm thiếu quy trình, thậm chí chưa có thông báo gửi doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ biết khi bị tạm hoãn xuất cảnh.
Cũng không ít ý kiến bức xúc do lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh khi nợ thuế chỉ từ 1-10 triệu đồng. Quy định tạm hoãn xuất cảnh trong thu hồi nợ thuế vẫn còn một số trường hợp áp dụng cứng nhắc, máy móc.
Nói về vấn đề này, ông Phan Phương Nam, Phó khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM, đồng tình với quy định tạm hoãn xuất cảnh đại diện doanh nghiệp nợ thuế. Luật pháp đã công khai, cần thực hiện minh bạch. Khoản thuế là nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước, là công cụ điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng cần có cách làm hợp lý.
Ông Nam cho rằng, không cần có ngưỡng thuế để cấm xuất cảnh bởi ngưỡng này chỉ dùng khi xử lý hình sự. "Việc hoãn xuất cảnh với đại diện doanh nghiệp nợ thuế là để đánh vào ý thức".
Ở phía cơ quan thuế, ông Phan Phương Nam cho rằng cần đảm bảo sự công bằng, để mức nợ thuế bị cấm xuất cảnh của các doanh nghiệp là ngang nhau. "Có doanh nghiệp nợ vài trăm nghìn cũng bị cấm xuất cảnh, có doanh nghiệp nợ cả tỷ đồng song lại không bị. Cần rà soát để có sự công bằng, bởi có chi cục làm, có chi cục không làm, hoặc cùng chi cục thuế nhưng có cán bộ làm, có cán bộ không, gây bất công", vị này bày tỏ.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp thu nợ thuế. Bởi Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, quy định chi tiết về việc tăng cường hoạt động thu thuế, biện pháp quản lý thuế đối với các đối tượng nợ thuế. Nếu ngành thuế thấy có thể áp dụng các biện pháp khác thì không nhất thiết áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Thấy có nguy cơ cao thất thu thuế, biện pháp này mới thực hiện để đảm bảo lợi ích của ngân sách.
“Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải biện pháp thực sự mạnh nhất. Biện pháp chúng tôi đang áp dụng nhiều nhất là dừng sử dụng hóa đơn. Biện pháp này mạnh hơn nhiều. Rất nhiều doanh nghiệp, hệ thống lớn khi bị dừng sử dụng hóa đơn thì có tác động ngay. Đó là công cụ của Nhà nước trang bị cho ngành thuế để bảo vệ lợi ích của ngân sách”, ông Minh cho hay.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng khẳng định không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng.
Theo quy định của pháp luật, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại Việt Nam, nguy cơ không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế rất cao.
Còn với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị... thì trường hợp còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường. Ngay cả với các trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng nếu có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước thì vẫn có thể được xuất cảnh.
Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đồng tình với quan điểm này của lãnh đạo Tổng cục Thuế, vì thể hiện tinh thần đồng hành cùng phát triển. Tuy nhiên, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể từ Tổng cục Thuế để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và doanh nhân trong quá trình kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn còn nhiều khó khăn như hiện nay.