Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông được hỗ trợ không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Cụ thể, tại các Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định 176/2024/NĐ-CP đã quy định về nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).
Trong đó, nổi bật là nội dung chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về TTATGT. Khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT.
Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về TTATGT của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc.
Như vậy, bắt đầu từ ngày 01/01/2025, các cá nhân hay tổ chức khi cung cấp thông tin phản ánh về vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng của 01 vụ, việc.
Hiện nay, Cảnh sát giao thông tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân thông qua các kênh, mạng xã hội làm căn cứ xử phạt. Nếu áp dụng chính sách này, mỗi người dân sẽ là một "mắt xích" hỗ trợ Cảnh sát đảm bảo TTATGT.
Việc thanh toán mức chi phí hỗ trợ người cung cấp thông tin như trên phải có đầy đủ chứng từ theo quy định, đồng thời cơ quan chức năng sẽ giữ bí mật về danh tính người cung cấp thông tin.
Ngoài ra, nguồn kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ còn được quy định chi cho nhiều nội dung như:
- Đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm TTATGT; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện.
- Xây dựng, vận hành, quản trị, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về TTATGT.
- Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng các công trình, trung tâm chỉ huy, trụ sở, nơi làm việc, nơi tạm giữ phương tiện.
- Thuê tài sản (nhà, đất, phương tiện, trang thiết bị và tài sản khác) phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.
- Chi xăng, dầu, nhiên liệu khác phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.
- Thực hiện công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; giải quyết vụ, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT; khắc phục sự cố, phòng, chống ùn tắc, xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
- Chi công tác phí, hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm TTATGT.
- Vận hành đường dây nóng, các ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động bảo đảm TTATGT
- Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo đảm TTATGT; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT.
- Sơ kết, tổng kết, tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai nhiệm vụ, công tác bảo đảm TTATGT; khen thưởng cho tập thế, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT.
- Bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT ban đêm.
- Thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn.
- Giải quyết ùn tắc giao thông, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông, cứu hộ, cứu nạn và thực hiện nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT.