Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, thể hiện mối quan tâm lớn đến chuyển đổi xanh. Điều này mang đến cho doanh nghiệp cả cơ hội và thách thức, khi họ cần đáp ứng tiêu chí khắt khe về sản phẩm xanh đồng thời duy trì lợi nhuận bền vững.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Đặc biệt, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về bảo vệ môi trường.
Những số liệu này phản ánh một sự chuyển biến mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người Việt nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất. Họ cần phải không chỉ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng mà còn phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao mà vẫn duy trì lợi nhuận.
Chia sẻ về sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi", bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, sự chuyển dịch từ các sản phẩm nhựa sang vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy hay ống hút tre không chỉ phản ánh ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng mà còn là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế xanh.
Theo bà Minh, việc thay đổi một thói quen lâu năm không phải là điều dễ dàng, nhưng chúng ta đang chứng kiến những kết quả khả quan ban đầu. Để đạt được điều này, trước hết, phải ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Từ đó, các doanh nghiệp cần chủ động tích cực trong việc phát triển và cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường. Để chuyển mình theo hướng xanh hóa, doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Là đơn vị có mục tiêu phát triển bền vững từ rất sớm, ông Phạm Trung Thành - Trưởng ban đối ngoại Acecook Việt Nam chia sẻ: “Hiện doanh nghiệp này đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, cải tiến quy trình để phục vụ việc chuyển đổi xanh trong sản xuất như tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm rác thải nhựa thông qua hoạt động chuyển đổi bao bì mì ly từ ly nhựa sang ly giấy, chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang lò hơi biomass…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi xanh chính là chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chuyển đổi bao bì không hề nhỏ. Đây là một bài toán khó cho doanh nghiệp trong sản xuất, khi vừa phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa cung cấp sản phẩm chất lượng mà giá thành phải hợp lý”, ông Thành nhấn mạnh.
Khó khăn nữa chính là nguồn cung ứng bền vững. Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ, hay nguyên vật liệu bền vững trên thị trường rất ít, dẫn đến giá thành cho các dịch vụ và nguyên liệu khá cao.” - Đại diện Acecook Việt Nam cho hay.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Hồng Minh cho hay, dù một số chính sách tiêu biểu hiện nay như Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã có những bước đi đầu tiên, nhưng vẫn còn thiếu các biện pháp cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm xanh.
Bà Minh đề xuất, cần có các chính sách liên quan đến thuế, tín dụng, tài chính, nguồn nhân lực,...để hỗ trợ cho những doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra cần có một khung pháp lý rõ ràng hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện các cam kết bền vững. Mặt khác, các chương trình đào tạo, hội thảo nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng rất quan trọng.