Khởi nghiệp xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu. Theo ông, những yếu tố nào đặc biệt thúc đẩy xu hướng này tại Việt Nam?
PGS. Trương Ngọc Kiểm: Khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững đất nước. Khởi nghiệp xanh là khởi nghiệp sáng tạo tập trung vào việc tạo các giải pháp, sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường đảm bảo vừa phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) bền vững, vừa bảo vệ môi trường.
Khởi nghiệp xanh dần trở thành xu hướng ở nước ta và được nhiều start-up hướng đến do được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố.
Trước hết, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong 5 nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Do đó, Chính phủ nước ta đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 28 về việc giảm phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Chính điều này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các start-up về hướng đi mới, đó là khởi nghiệp xanh để cùng chung tay giải quyết các vấn đề môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Sự quan tâm từ phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế về vấn đề môi trường và bền vững đã dẫn đến việc áp dụng các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xã hội và khởi nghiệp xanh. Các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và các chương trình khuyến khích khởi nghiệp đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp này.
Thứ hai, sự thay đổi trong nhận thức của người dân về những tác động của biến đổi khí hậu và những vấn đề môi trường dẫn ý thức và trách nhiệm của cộng đồng xã hội ngày càng được nâng lên. Điều này thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp có mục tiêu xã hội và khởi nghiệp xanh, nhằm giải quyết những thách thức này thông qua các giải pháp sáng tạo và bền vững. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tác động của sản phẩm và dịch vụ đến môi trường. Họ ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp có cam kết với môi trường và xã hội, tạo ra một nhu cầu thị trường mới cho các doanh nghiệp xã hội và khởi nghiệp xanh.
Sự phát triển của khởi nghiệp xanh là dấu hiệu tích cực trong sự phát triển kinh tế và là biểu tượng của sự cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) và xây dựng một tương lai bền vững. Các start-up xanh không chỉ đóng góp cho sự phát triển KTXH mà còn tạo ra những giải pháp sáng tạo và hiệu quả cho các vấn đề môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng xã hội.
Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh hiện nay đang phải đối mặt là gì? Và theo ông, đâu là giải pháp để giúp các doanh nghiệp vượt qua những rào cản đó?
Tăng trưởng xanh là cơ hội phát triển vô cùng lớn cho Việt Nam xét về dài hạn, nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ trong giai đoạn ngắn hạn do phải lựa chọn đánh đổi giữa chi phí và lợi ích với khả năng cải thiện môi trường. Mặc dù các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích cộng đồng xã hội, nhưng họ cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Thách thức lớn nhất của khởi nghiệp xanh là việc tìm kiếm và huy động nguồn vốn đầu tư do các dự án xanh thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và có chu kỳ hoàn vốn kéo dài. Việc tìm kiếm nguồn vốn đủ để phát triển và duy trì hoạt động của một doanh nghiệp xanh là một thách thức đáng kể. Mặt khác, do nhà đầu tư truyền thống chưa hiểu hoặc không quan tâm đến các mô hình “kinh tế xanh” nên việc tìm kiến tài trợ, vốn đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp xanh còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh đều cần mạng lưới đối tác tin cậy, hiểu biết về “tăng trưởng xanh”, có ý thức BVMT và cam kết đồng hành lâu dài cùng dự án. Thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ xanh cũng không ổn định và chưa đủ lớn để hỗ trợ phát triển của các doanh nghiệp xanh, người tiêu dùng cũng mất nhiều thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen để làm quen với việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Những điều này dẫn đến các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh có thể có nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.
Để phát huy sức mạnh của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh trong xã hội hiện đại, việc ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp này là rất quan trọng và cần thiết để họ có thể thực sự phát triển và góp phần vào việc xây dựng một nền tảng KTXH bền vững cho tương lai. Muốn vậy cần có sự chung tay của nhiều bộ phận trong xã hội như Chính phủ, các bộ/ngành, địa phương cần có hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, đặc biệt là tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính và tiếp cận thị trường; các tổ chức phi chính phủ hoặc các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước đẩy mạnh các chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về khởi nghiệp xanh cùng các chuẩn mực văn hóa thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp xanh.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh thì phải dựa vào các tài sản trí tuệ, ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu suất môi trường và tăng hiệu quả kinh tế. Doanh nghiệp phải tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ có lợi ích môi trường rõ ràng cùng với sự độc đáo, sáng tạo trong công nghệ, thiết kế, tính hữu dụng, giá trị gia tăng và giá cả hấp dẫn để thu hút và duy trì khách hàng, đảm bảo tính cạnh tranh so với các sản phẩm và dịch vụ truyền thống. Đồng thời, các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh cũng phải tiếp cận nhanh chóng với chuyển đổi số, thương mại điện tử nhằm tiếp cận khách hàng trực tiếp, mở ra không gian phát triển mới và khẳng định vị thế trong thế giới số.
PGS. Trương Ngọc Kiểm: Ông có thể chia sẻ một số bài học thành công từ các start-up xanh trong nước đã áp dụng mô hình phát triển bền vững?
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST trong đó có khởi nghiệp xanh của người Việt Nam trị giá nhiều triệu USD đã hình thành, phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt Nam, ý chí người Việt Nam từng bước khẳng định và vươn lên, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, hội nhập với thế giới.
Có thể nói, để khởi nghiệp thành công đã khó thì khởi nghiệp xanh còn khó hơn nhiều do phải dung hòa lợi ích về KTXH với các lợi ích về môi trường để tạo nên sự phát triển bền vững. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy một số yếu tố cơ bản cấu thành nên thành công của họ bao gồm:
(1) Thúc đẩy phát triển bằng lợi ích chung cho toàn xã hội và đam mê, khát vọng lớn lao vào tương lai của từng thành viên: Tầm nhìn, mục tiêu BVMT và phát triển bền vững phải được chia sẻ cho toàn bộ tổ chức nhằm định hướng, tạo sự đồng thuận cho tất cả các hành động của công ty và truyền cảm hứng đến các đối tượng liên quan. Đồng thời, các founder phải tiếp tục “nghĩ lớn” và “dám đối mặt với thử thách, thất bại” để xây dựng, phát triển “ý tượng”, “sản phẩm” một cách chi tiết, khoa học, có tính thị trường và đáp ứng mục đích dài hạn cũng như những nhu cầu trong ngắn hạn.
(2) Am hiểu công nghệ chuyên sâu: Muốn trở thành người tiên phong, đột phá thì đòi hỏi kiến thức sâu rộng đặc biệt và hiểu biết sâu sắc về công nghệ và được hỗ trợ bởi tư duy sáng tạo. Do đó các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh cần phải quy tụ được những hạt nhân “tốt” đồng thời “thu hút” công nghệ bổ sung, hợp tác với công ty, trường đại học/viện nghiên cứu để “lấp đầy” khoảng trồng về chuyên môn sâu. Các công ty có tính cạnh tranh cao nhưng cũng phải cùng hợp tác để đạt được mục đích chung.
(3) Kiến tạo môi trường làm việc lành mạnh, đề cao sáng tạo, trao quyền cho nhân viên ở tất cả các cấp, chấp nhận rủi ro phù hợp và không có sự trừng phạt cho sự thất bại; khuyến khích tư duy “Thử nghiệm và cố gắng”, thực hiện tái cấu trúc tổ chức thường xuyên để đáp ứng nhu cầu kinh doanh đang thay đổi.