Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong tuần tới, sẽ ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát các hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử, đảm bảo sự minh bạch và quản lý doanh thu hiệu quả.
Trong phiên Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 5/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có việc kiểm soát, thu thuế các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử có tính chất xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các sàn mới xuất hiện và đang được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian qua, điển hình như Temu.
Đề cập đến những thành quả trong việc thu thuế từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và trong nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện tại, cơ quan thuế đã thu được hơn 18.600 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài, và các sàn thương mại điện tử trong nước cũng đã bắt đầu đóng góp cho ngân sách.
Về sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Phó Thủ tướng thông tin, đã thu thuế với 102 doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài như Google, Facebook… Riêng TP.Hà Nội đã thu khoảng 35.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính dự kiến sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát các hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử, đảm bảo sự minh bạch và quản lý doanh thu hiệu quả.
“Trong tuần tới, chúng tôi sẽ ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát doanh thu và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử,” Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tại kỳ họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề về việc phân bổ và giải ngân ngân sách đầu tư công hiện nay là một trong những thách thức hàng đầu do các quy định thủ tục quá chặt chẽ. Quá trình này bị trì hoãn do cần phải hoàn tất các quy định về định mức và đơn giá cũng như phải tuân thủ các thủ tục pháp lý nghiêm ngặt.
“Việc phân bổ ngân sách và chi thường xuyên vẫn chưa thực hiện hết dự toán, và việc giải ngân chậm là một vấn đề thực tiễn hiện nay. Điều này đòi hỏi phải đổi mới cách thức trong phân bổ dự toán ngân sách cũng như kế hoạch chi đầu tư phát triển”, Phó Thủ tướng phát biểu, đồng thời chỉ ra các vướng mắc pháp lý cụ thể như: theo quy định hiện hành, trước khi dự án được phê duyệt và có đầy đủ dự toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể tham mưu cho Chính phủ hoặc Quốc hội về phân bổ nguồn vốn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn chế, Phó Thủ tướng cho rằng tiết kiệm chi là biện pháp cần thiết để tối ưu hóa ngân sách. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm tiết kiệm chi thường xuyên thông qua cắt giảm các chi phí không cần thiết.
“Chúng ta tiết kiệm chi chủ yếu từ các khoản sự nghiệp kinh tế, đô thị, mua sắm, công tác phí, hội nghị, tiếp khách, và các khoản chi khác. Tuy nhiên, phần lớn ngân sách chi cho lương và phụ cấp là cố định, khó có thể cắt giảm thêm,” Phó Thủ tướng cho hay.
Đến nay, chính sách này đã giúp tiết kiệm khoảng 7.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, một con số đáng khích lệ. Đặc biệt, một số bộ, ngành đã thực hiện chính sách tiết kiệm ở mức tối đa, như Bộ Văn hóa chỉ được cấp ngân sách ở mức rất thấp, khoảng vài trăm tỷ đồng nên hầu như không còn gì để tiết kiệm thêm.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương và các bộ, ngành cố gắng tiết kiệm thêm ở các khoản chi khác như chi phí đi nước ngoài, công tác phí, hội nghị nhằm tạo nguồn lực cho các hoạt động cần thiết.