Pháp luật đời sống

Sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài thương mại

Nhật Minh 25/09/2024 15:53

Trên cơ sở quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, hệ thống Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực cho phương thức trọng tài, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và hòa giải.

toa-an-trong-tai.jpg
Sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài thương mại. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập, các tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng diễn biến rất phức tạp, gia tăng cả về tính chất và quy mô. Việc áp dụng pháp luật để giải quyết không đơn thuần như các tranh chấp kinh doanh, thương mại trong nước, mà còn phải tham chiếu, áp dụng các quy định pháp luật, tập quán quốc tế rất rộng lớn, đa dạng. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam còn có những điểm chưa tương thích, có độ “vênh” so với pháp luật quốc tế.

Tòa án bằng quyền lực nhà nước của mình đã thực hiện các hoạt động tố tụng hỗ trợ cho Trọng tài thương mại trong quá trình giải quyết tranh thương mại. Điều 414 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về những việc dân sự liên quan đến Trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khi đó, Trọng tài với tư cách là đương sự trong vụ việc dân sự sẽ yêu cầu/ đề nghị Tòa án hỗ trợ mình trong các công việc/hoạt động tố tụng mà bản thân Trọng tài thương mại hoặc Hội đồng Trọng tài không thể tự mình thực hiện. Cụ thể:

Toà án có thể quyết định thay đổi Trọng tài viên

Theo yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú có thể quyết định thay đổi Trọng tài viên. Trường hợp áp dụng, khi Hội đồng Trọng tài được các bên thành lập cần phải thay đổi 01 Trọng tài viên mà các Trọng tài viên khác trong Hội đồng Trọng tài không quyết định được; hoặc cần phải thay đổi 02 Trọng tài viên trong Hội đồng; hoặc thay đổi Trọng tài viên duy nhất, khi Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết vụ tranh chấp.

Xem xét lại quyết định về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài

Thẩm quyền giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể của Hội đồng Trọng tài là do thỏa thuận trọng tài của các bên xác định. Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, nếu có đơn khiếu lại của một bên về việc Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp, vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, Hội đồng Trọng tài phải xem xét quyết định xem vụ tranh chấp có thuộc thẩm quyền của mình hay không.

Nếu các bên không đồng ý với quyết định này của Hội đồng Trọng tài thì có quyền yêu cầu Tòa án cấp tỉnh, nơi Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định, xem xét lại quyết định của Hội đồng Trọng tài.

Trong trường hợp Tòa án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thì Hội đồng Trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp. Các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Tòa án.

Tòa án có thể quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại thì các bên có quyền làm đơn đến Tòa án cấp tỉnh, nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý giải quyết vụ tranh chấp, yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây: Bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy hoặc có nguy cơ bị tiêu hủy; Kê biên tài sản tranh chấp; Cấm chuyển dịch tài sản tranh chấp; Cấm thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp; Kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ; Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng.

Tuy nhiên, bên có đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có bằng chứng chứng minh việc áp dụng các biện pháp đó là cần thiết và phải chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại, sẽ phải bồi thường.

Ngoài ra, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp một khoản tiền bảo đảm do Tòa án ấn định nhưng không quá nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của bị đơn và ngăn ngừa sự làm dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có yêu cầu.

Tòa án có thể quyết định hủy hay không hủy quyết định trọng tài

Tố tụng trọng tài không có nhiều giai đoạn xét xử, không có thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Để có thể hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định:

Bên không đồng ý với quyết định trọng tài có quyền làm đơn gửi Tòa án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định trọng tài yêu cấu hủy quyết định trọng tài. Trên cơ sở đơn yêu cầu đó, Tòa án có quyền ra quyết định hủy hay không hủy quyết định trọng tài.

Luật Trọng tài thương mại 2010 đã quy định chức năng hỗ trợ và giám sát của Tòa án đối với thủ tục trọng tài và phán quyết trọng tài. Trên cơ sở quy định của Luật, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, hệ thống TAND các cấp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực cho phương thức trọng tài, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và hòa giải.

Đặc biệt, ngày 20/3/2014, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại. Sau khi Nghị quyết được ban hành, hệ thống Tòa án đã thực hiện cơ bản tốt các vai trò hỗ trợ và giám sát đối với hoạt động trọng tài, giúp thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trọng tài tại Việt Nam, góp phần tăng cường nền tư pháp, bảo đảm hiệu lực thực thi các hợp đồng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Quyền lựa chọn cơ quan tài phán của doanh nghiệp

Theo quy định pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp có quyền lựa chọn cơ quan tài phán trong hoạt động kinh doanh thương mại. Cụ thể: Khi tham gia giao dịch ký kết hợp đồng trong hoạt động thương mại các doanh nghiệp có quyền lựa chọn tổ chức tài phán: Trọng tài thương mại hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Điều 6 Luật Trọng tài thương mại quy định, Tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài như sau: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”.

Khoản 5 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm: “Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO