Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Thủ đô, góp ý hoàn thiện, chuyên gia cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên…
Nhằm hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tiếp thu, chỉnh lý tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2024, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến đóng góp.
Theo đó, dù đã có những tiếp thu chỉnh lý, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực được đề xuất, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần tiếp tục được hoàn thiện, nhất là trong việc thu hút đầu tư.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được cho có nhiều ý tưởng, đề xuất đột phá - Ảnh minh họa
Nhìn nhận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều ý tưởng, đề xuất đột phá, tuy nhiên, các vấn đề còn chưa thống nhất hoặc mâu thuẫn với các Luật khác cần tính đến lộ trình và đánh giá tác động trên cơ sở tính toán đến các yếu tố về Luật và các văn bản dưới Luật hiện hành; nguồn lực của Hà Nội; cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình, minh bạch.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã xác định phạm vi, đối tượng các lĩnh vực được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện để xác định nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ, đánh giá cụ thể các tiêu chí để xác định quy mô của dự án cũng như năng lực nhà đầu tư đảm bảo: phù hợp quy hoạch tổng thể. Đơn cử, đối với trung tâm đổi mới sáng tạo, nếu quy mô vốn tối thiểu quy định chưa phù hợp có thể dẫn đến việc xuất hiện quá nhiều (hoặc quá ít) các dự án, phá vỡ quy hoạch, định hướng; yêu cầu quy mô vốn nhà đầu tư chiến lược phù hợp với từng nhóm ngành nghề ưu tiên. Mức sàn cao có thể là yếu tố cần thiết để đảm bảo được chất lượng, quy mô dự án cũng như năng lực nhà đầu tư, tuy nhiên cũng cần thu hút đủ số lượng các dự án theo mục tiêu cũng như tính đến tính khả thi và phù hợp với năng lực nhà đầu tư.
Góp ý xây dựng, hoàn thiện, chuyên gia cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược - Ảnh minh họa
“Cần lưu ý, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn. Vì vậy cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên”, TS. Vũ Nhữ Thăng góp ý.
Cùng với các vấn đề đã nêu, góp ý hoàn thiện Dự thảo, TS. Vũ Nhữ Thăng cũng cho rằng, Dự thảo Luật quy định TP. Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần.
Thông lệ quốc tế cho thấy, các nước có quy định khác nhau đối với việc vay nợ của ngân sách địa phương nhưng chủ yếu chia thành 2 nhóm: ngân sách địa phương phải đảm bảo chi trong phạm vi thu và duy trì sự cân bằng giữa thu và chi hay không cho phép bội chi ngân sách địa phương; cho phép địa phương được bội chi ngân sách nhưng giới hạn bội chi được xác định tỷ lệ cụ thể thông qua các chỉ tiêu như: Bội chi ngân sách địa phương so với thu ngân sách (Nga) hoặc bội chi ngân sách địa phương so với GDP (Indonesia, Ấn Độ…).
Ngoài ra, cũng có một số nước không quy định tỷ lệ bội chi ngân sách cụ thể (Trung Quốc từ năm 2015, Nhật, Đức) nhưng đưa ra các biện pháp hoặc yêu cầu địa phương phải có biện pháp cân đối ngân sách trong trung hạn để đảm bảo an toàn tài chính địa phương.
“Về nguyên tắc, khi vay nợ, chính quyền địa phương phải tự cân đối ngân sách và chính quyền trung ương không chịu trách nhiệm trước những rủi ro về nợ. Việc quy định giới hạn nợ chính quyền địa phương nhằm đảm bảo kiểm soát được nợ, cũng như tránh được những rủi ro về nợ, duy trì sự ổn định về kinh tế, chính trị của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung”, vị này chia sẻ.
Từ đó đề xuất, Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn nên áp dụng mức trần vay nợ để đảm bảo khả năng trả nợ, cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư phát triển với khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác và quy mô thu ngân sách. Để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo sự đột phát cho địa phương, có thể quy định mức trần vay nợ từ 150 - 200% tổng thu ngân sách hưởng theo phân cấp.
Cũng theo TS. Vũ Nhữ Thăng, quy định giao quyền cho Hà Nội về quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức là cần thiết, song cần làm rõ quy trình theo hướng quá trình tuyển dụng cần có sự tham gia của cơ quan đại diện Bộ Nội vụ trong hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường giám sát, đảm bảo tính minh bạch.
Đồng thời, cần bổ sung điều khoản về cơ chế minh bạch, giám sát, giải trình của các nội dung về phân cấp, phân quyền, trong đó, cần quy định cụ thể việc thực hiện cơ chế báo cáo đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong phân cấp, phân quyền.
Theo Diendandoanhnghiep