Tài chính doanh nghiệp

Sửa Luật Thuế TNDN: Cần làm rõ tiêu chí dự án hưởng ưu đãi

Vũ Đậu 23/11/2024 13:04

Về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Cơ quan thẩm tra cho rằng cần làm rõ hiệu quả chính sách ưu đãi thuế với nhà đầu tư lớn vì dù được ưu đãi đặc biệt, nhà đầu tư lớn vẫn phải nộp thuế TNDN bổ sung 15%.

thue-suat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-2024.jpg
Ủy ban Tài chính, Ngân sách lưu ý nhiều nội dung sửa đổi tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 22/11, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) gồm 04 Chương, 20 Điều. Trong đó: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế (từ Điều 6 đến Điều 11); Chương III. Ưu đãi thuế TNDN (từ Điều 12 đến Điều 18); Chương IV. Điều khoản thi hành (Điều 19 và 20).

Dự thảo Luật quy định rõ và chi tiết hơn đối tượng ưu đãi thuế TNDN (ngành, nghề, địa bàn và các hoạt động được ưu đãi). Theo đó, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đã được quy định cụ thể chính sách ưu đãi thuế TNDN (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tại Luật Đầu tư năm 2020.

Bao gồm: Dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này; hoạt động báo chí khác (ngoài báo in).

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp; về tiêu chí ưu đãi và việc áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng...

cn-manh-22-11s-5396.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 22/1.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị làm rõ hơn về các điều kiện các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt đang được quy định trong dự thảo Luật căn cứ theo tổng số vốn đầu tư.

Về ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng, quá trình thẩm tra, đa phần ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự thảo theo hướng bỏ yêu cầu phải hạch toán riêng đối với phần thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dự án ban đầu đã hết thời gian hưởng ưu đãi, thì dự thảo Luật tiếp tục quy định đầu tư mở rộng phải thực hiện hạch toán riêng để được hưởng ưu đãi như một dự án mới.

Quy định này chưa giải quyết được vấn đề bất cập hiện hành và có thể khuyến khích các doanh nghiệp trì hoãn việc đầu tư mở rộng để được hưởng gói ưu đãi lớn hơn như một dự án đầu tư mới.

Về ưu đãi thuế TNDN đối với các nhà đầu tư mới thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, dự thảo Luật bổ sung các chính sách ưu đãi thuế đặc biệt, để thu hút các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư lớn, chiến lược.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho rằng, với hiệu lực của Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế TNDN bổ sung (thuế tối thiểu toàn cầu) thì đồng thời với việc được hưởng các ưu đãi miễn giảm thuế đặc biệt, các nhà đầu tư lớn (có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro/năm) sẽ vẫn phải nộp thuế TNDN bổ sung ở mức 15%.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn về hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế đặc biệt áp dụng cho các nhà đầu tư lớn, khi vừa thực hiện ưu đãi đặc biệt vừa thu lại thuế bổ sung.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định mức thuế suất 15% áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc diện phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu để không tạo ra chi phí quản lý và các thủ tục hành chính không cần thiết cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư khác phù hợp và hiệu quả hơn.

Dự thảo Luật cũng chỉ quy định thời gian phải bảo đảm giải ngân 1/3 tổng số vốn đầu tư và chưa quy định thời gian để bảo đảm giải ngân hết đối với 2/3 tổng số vốn đầu tư còn lại. Vì vậy, sẽ không có căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý thuế thực hiện hậu kiểm và chưa bảo đảm tính tổng thể và sự chặt chẽ của quy định pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này chưa giải quyết được tổng thể các vấn đề đặt ra để thu hút đầu tư một cách hiệu quả trong điều kiện mới. Hiện các nước trong khu vực cũng chưa có bước đi rõ ràng về các chính sách ưu đãi thuế trong bối cảnh “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”. Vì vậy, Ủy ban đề nghị cân nhắc thêm về lùi thời điểm sửa Luật này cho phù hợp.

Ngoài ra, các tiêu chí về tài sản cố định tăng thêm theo giá trị tuyệt đối để xác định dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi là chưa hợp lý và công bằng, vì tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và bất lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc hoàn thiện lại nội dung này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa Luật Thuế TNDN: Cần làm rõ tiêu chí dự án hưởng ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO